Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp và bố trí liền mạch từ phiên khai mạc đến phiên bế mạc.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, chiều 15/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về dự kiến nội dung Kỳ họp, Chính phủ đề nghị bổ sung các nội dung: Trình Quốc hội xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá;
Trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; trình Quốc hội xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT…
Đồng thời, đề nghị rút: Báo cáo việc thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVIPA) (vì tính đến nay, Hiệp định này chưa có hiệu lực do chỉ có 12/27 các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định). Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi Hiệp định có hiệu lực và được triển khai thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo đó, đề nghị bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 01 ngày đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, tiếp tục bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về một số dự án luật đã được thực hiện tại Kỳ họp thứ 3 như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận hội trường trên Truyền hình Quốc hội các dự án luật, dự thảo nghị quyết như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi),…
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp và bố trí liền mạch từ phiên khai mạc đến phiên bế mạc.
Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 23,5 ngày. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ Năm, ngày 20/10, dự kiến bế mạc vào sáng thứ Bảy, ngày 19/11/2022 và dự phòng chiều ngày 19/11/2022.
Ông Bùi Văn Cường cho biết, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ kỳ họp.
Tính đến thời điểm hiện nay, mới có 8 dự án, dự thảo, 1 nội dung giám sát chuyên đề và các báo cáo về công tác tư pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án luật, dự thảo nghị quyết còn lại và tiếp tục cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự. Các nội dung liên quan đến kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về kiến nghị của cử tri… sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2022.
Hoàng Thị Bích
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/de-nghi-tang-thoi-gian-thao-luan-du-an-luat-dat-dai-sua-doi-a569760.html