Bộ Xây dựng hiện đang lấy ý kiến góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị.
Bộ Xây dựng cho biết, hệ thống chính sách pháp luật điều chỉnh về đô thị, quản lý phát triển đô thị hiện nay đang được quy định tại nhiều pháp luật khác nhau trong khi chưa có một pháp luật chung để hệ thống hóa, gắn kết các pháp luật liên quan trong khi đô thị là một thực thể thống nhất, là không gian để các hoạt động kinh tế – xã hội cùng diễn ra trong bối cảnh cần có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực.
Việc quản lý phân tán ở các đơn vị cơ quan chuyên môn khác nhau gây khó khăn cho quá trình phối hợp thực hiện nhất quán, đồng bộ các chính sách phát triển đô thị. Nhiều nội dung quản lý còn thiếu, không theo kịp thực tế như quản lý tái phát triển đô thị tại các đô thị hiện hữu, hình thành và phát triển các mô hình đô thị tiên tiến theo xu hướng phát triển bền vững, hình thành cơ chế tạo nguồn lực tập trung phát triển đô thị…
Bộ Xây dựng đề xuất mục tiêu xây dựng chính sách Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và hiệu lực của hệ thống pháp luật. Kế thừa, phát huy và luật hóa các quy định đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả trong thực tiễn. Tham khảo có chọn lọc quy định pháp luật của một số quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.
Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; đô thị hình thành, xây dựng mới, vận hành, phát triển, cải tạo chỉnh trang, tái thiết có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước; bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên đất đai.
Tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; hình thành và phát triển đô thị đáng sống đối với cư dân và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có vai trò, vị thế động lực dẫn dắt phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị với 3 chính sách sau:
Chính sách 1, phân loại đô thị và quản lý phát triển hệ thống đô thị với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công cụ phân loại đô thị trong quản lý phát triển các đô thị, chú trọng chất lượng đô thị, khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chuẩn.
Chính sách 2, quản lý phát triển các khu vực, không gian đô thị và cung cấp hạ tầng đô thị đồng bộ. Mục tiêu của chính sách nhằm quản lý phát triển đô thị, cung cấp hạ tầng đô thị và phát triển hệ thống đô thị có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch, từng bước hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững; bảo đảm quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới.
Chính sách 3, nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị bền vững với mục tiêu hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về đô thị từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về phát triển đô thị các cấp; nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.
T.M