Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư Hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Sẽ yêu cầu cung cấp thông tin sinh trắc học khi tạo tài khoản Ví điện tử
Theo đó, dự kiến hồ sơ tạo tài khoản Ví điện tử của khách hàng là cá nhân sẽ bao gồm các tài liệu, thông tin, dữ liệu sau:
Thứ nhất, thỏa thuận mở và sử dụng Ví điện tử theo quy định tại Điều 19 Dự thảo Thông tư.
Thứ hai, giấy tờ tùy thân của người mở Ví điện tử:
Hiện hành, theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-NHNN, sửa đổi tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN, để mở Ví điện tử, cá nhân phải cung cấp các thông tin sau đây:
– Thông tin của cá nhân mở Ví điện tử theo yêu cầu của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và phù hợp với quy định gồm:
+ Đối với cá nhân là người Việt Nam: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số điện thoại; số căn cước công dân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp.
+ Đối với cá nhân là người nước ngoài: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số điện thoại; số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh (nếu có).
– Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của cá nhân mở Ví điện tử (đối với cá nhân là người nước ngoài).
Đối với cá nhân là người Việt Nam: Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử hoặc Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng.
Đối với cá nhân là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch: Giấy chứng nhận căn cước còn thời hạn sử dụng.
Đối với cá nhân là người nước ngoài: Hộ chiếu hoặc giấy tờ định danh do cơ quan nước ngoài cấp còn thời hạn sử dụng; thị thực nhập cảnh còn thời hạn hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh (đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam).
Thứ ba, thông tin sinh trắc học của người mở Ví điện tử là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh trắc học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện phân biệt người này với người khác như: khuôn mặt, vân tay, mống mắt, giọng nói hoặc các yếu tố sinh trắc học khác.
Thứ tư, trường hợp cá nhân đăng ký mở Ví điện tử có tài khoản thanh toán được mở thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật (sau đây gọi chung là người đại diện) thì ngoài các tài liệu, thông tin, dữ liệu nêu tại (1), (2), (3), hồ sơ mở Ví điện tử phải có thêm:
Trường hợp người đại diện là cá nhân: các tài liệu, thông tin, dữ liệu phục vụ việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết của người đại diện theo điểm b, c khoản này và giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đại diện đối với cá nhân mở Ví điện tử.
Trường hợp người đại diện là pháp nhân: tài liệu, thông tin, dữ liệu phục vụ việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết của pháp nhân theo quy định tại khoản 2 Điều này và giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp của pháp nhân đó.
Thứ năm, trường hợp người không cư trú mở Ví điện tử bằng đồng Việt Nam thì ngoài các tài liệu, thông tin, dữ liệu nêu tại (1), (2), (3), hồ sơ mở Ví điện tử phải có thêm tài liệu, dữ liệu chứng minh có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam.
Lưu ý, các tài liệu, thông tin, dữ liệu trong hồ sơ mở Ví điện tử nêu trên phải đáp ứng yêu cầu sau:
– Các tài liệu, giấy tờ là bản chính hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu phù hợp với quy định của pháp luật về chứng thực bản sao từ bản chính.
Đối với trường hợp xuất trình bản chính để đối chiếu tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Đối với các tài liệu, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự.
– Giấy tờ, tài liệu là thông điệp dữ liệu và các thông tin, dữ liệu điện tử phải được tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử kiểm tra, đối chiếu, xác thực đảm bảo nội dung đầy đủ, chính xác và lưu trữ theo đúng quy định pháp luật về giao dịch điện tử.
– Đối với các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ mở Ví điện tử bằng tiếng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử được thỏa thuận với khách hàng về việc dịch hoặc không dịch ra tiếng Việt nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
+ Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải kiểm tra, kiểm soát và chịu trách nhiệm về nội dung của các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài;
+ Các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bản dịch phải có xác nhận của người có thẩm quyền của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Được sử dụng Ví điện tử để thực hiện các mục đích gì?
Theo đó, chủ Ví điện tử được sử dụng Ví điện tử để thực hiện các mục đích sau đây: Chuyển tiền, rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Chuyển tiền cho Ví điện tử khác; Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả trường hợp thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài), các khoản thanh toán hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hoàn trả tiền cho khách hàng trong các trường hợp: Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử chấm dứt cung ứng dịch vụ Ví điện tử cho khách hàng; Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử chấm dứt hoạt động, bị thu hồi Giấy phép, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.
Chi trả thừa kế theo quy định của pháp luật khi chủ Ví điện tử chết hoặc bị tuyên bố đã chết.
Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Hiện hành, Khoản 6 Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-NHNN, sửa đổi tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN quy định, các cá nhân sử dụng Ví điện tử chỉ để thực hiện 03 mục đích sau: Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; Chuyển tiền cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở; Rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng.
Như vậy, ngoài việc chỉ thực hiện được các nhu cầu cơ bản như thanh toán, chuyển tiền, rút tiền thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến sẽ đề xuất thêm nhiều nhu cầu khác đối với dịch vụ này, trong đó có việc chi trả thừa kế theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại dự thảo Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước Việt cũng đề xuất 3 đối tượng khách hàng được sử dụng Ví điện tử gồm:
Khách hàng được sử dụng Ví điện tử bằng đồng Việt Nam là cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng được mở và có sở hữu tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật, kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán) của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử được ủy quyền cho cá nhân khác trong quá trình sử dụng Ví điện tử của tổ chức đó; việc ủy quyền phải được chủ Ví điện tử đồng ý bằng văn bản.
Khi thực hiện việc ủy quyền, chủ Ví điện tử là tổ chức phải gửi tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử nơi mở Ví điện tử văn bản ủy quyền kèm hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, dữ liệu phục vụ việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết đối với người được ủy quyền theo quy định tại Điều 17 Dự thảo Thông tư.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải áp dụng biện pháp xác minh thông tin nhận biết đối với người được ủy quyền theo quy định tại Điều 21 Dự thảo Thông tư.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được mở Ví điện tử cho chính mình.
Tuệ Minh