Home Tiêu điểm Đề xuất sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch để...

Đề xuất sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch để đấu thầu, đấu giá

0

Theo các đại biểu, đây là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch và đề xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất, Nhà nước và nhà đầu tư.

Ngày 4/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Thường trực Uỷ ban Kinh tế tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật rất quan trọng, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo từ kỳ họp thứ 5, nhằm hoàn thiện hơn nữa chất lượng dự án Luật.

Đối thoại - Đề xuất sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch để đấu thầu, đấu giá
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Đến nay dự thảo còn 12 nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau như: Phân loại đất, quy định về Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số;

Quyền của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

Thu hồi đất để xây dựng công trình tôn giáo; mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất; các quy định liên quan đến thu hồi đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh; áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất…

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã được hoàn thiện, chỉnh lý kỹ lưỡng, chất lượng được nâng lên một bước so với dự thảo Luật trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. 

Quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý tại phiên họp. Các đại biểu ủng hộ quan điểm cần sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch (tức là dùng vốn ngân sách để đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng) để thực hiện đấu thầu, đấu giá.

Đối thoại - Đề xuất sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch để đấu thầu, đấu giá (Hình 2).
Toàn cảnh phiên họp.

Đây là giải pháp tốt nhất để xử lý địa tô chênh lệch và cũng là giải pháp tốt nhất đề xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người bị thu hồi đất, Nhà nước và nhà đầu tư.

Do đó, các ý kiến cũng đồng tình với quy định tại dự thảo Luật về mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất, để Tổ chức phát triển quỹ đất có đủ năng lực tài chính thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ “đất sạch” thực hiện đấu thầu, đấu giá.

Nhiều ý kiến tán thành với việc dự thảo Luật quy định cụ thể, rõ ràng tiêu chí phân định những dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng nào sẽ được tiến hành đấu thầu, đấu giá hay tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất (theo diện tích dự án), thay vì giao HĐND cấp tỉnh quyết định.

Bởi, cách quy định này sẽ có tiêu chí áp dụng thống nhất trên cả nước, tránh lúng túng do địa phương không xác định được dự án nào là “dự án trọng điểm thực hiện đấu thầu”.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm, các đại biểu thống nhất để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất đang do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý nhưng cần bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bổ sung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35: Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm thì không được bán và góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê.

Tuy nhiên, quy định này cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa để phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm chặt chẽ; đề nghị đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp này không được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê để bảo toàn tài sản công.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Hoàng Thị Bích

Link nguồn