Trong nửa đầu năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vượt hơn 20 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với sự phát triển đó, các ngân hàng trong nước đang thích ứng, đổi mới để vươn lên cạnh tranh với các ngân hàng ngoại trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho phân khúc khách hàng hấp dẫn này.
Tăng trưởng đầu tư vào Việt Nam
Từ năm 1988 đến nay, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD. Trong đó 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp gần 73% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho 5 – 6 triệu lao động gián tiếp.
Thông điệp “VietinBank – Ngân hàng nội địa dành cho doanh nghiệp quốc tế”.
Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6 năm 2018, cả nước có 1.366 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,8 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng số vốn được giải ngân là 180,74 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng số vốn đăng ký.
Bên cạnh đó, đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018. Với 2.749 thương vụ M&A đã được ký kết, tổng số vốn đầu tư lên tới 4,1 tỷ USD. Trong những năm gần đây, nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã và đang thu hút lượng đầu tư lớn và xu hướng này được dự kiến còn tiếp tục trong tương lai.
Bất động sản cũng được dự đoán sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư. Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng sẽ trở thành những yếu tố thúc đẩy các thương vụ M&A tại Việt Nam. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính và ngân hàng tiếp tục tạo thêm tiền năng cho các hoạt động M&A nhờ các chính sách thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Mặc dù khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, song sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng.
Việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp. Các doanh nghiệp trong nước hầu như chưa tham gia nhiều; nếu có tham gia thì chủ yếu gia công các sản phẩm phụ, giá trị thấp.
Do đó vấn đề mấu chốt là làm thế nào để doanh nghiệp FDI hỗ trợ, tương tác, kết nối với doanh nghiệp trong nước, từ đó thúc đẩy sự phát triển. Đồng thời, xu thế cũng đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải nâng cao trình độ công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh để nâng cao vai trò trong chuỗi.
Với lợi thế nắm bắt được thông tin tình hình tài chính của các doanh nghiệp, có mạng lưới KH là các doanh nghiệp uy tín; các ngân hàng trong nước đang có khả năng cùng với các tổ chức, hiệp hội nâng cao hiệu quả kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Cần ngân hàng nội địa dành cho doanh nghiệp quốc tế
Tại Việt Nam hiện có hơn 50 ngân hàng nước ngoài đang hoạt động, trong đó có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Dù các ngân hàng ngoại có lợi thế cạnh tranh về danh tiếng, kinh nghiệm, trình độ quản trị và sức khỏe tài chính; song cũng không thể phủ nhận năng lực cạnh tranh của các ngân hàng nội.
Trong số đó có thể nói tới Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với tiềm lực tài chính, am hiểu thị trường và khả năng kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
VietinBank với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam đã tiên phong hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI trên chặng đường hoạt động kinh doanh và phát triển. VietinBank trợ giúp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề – nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và thương mại.
Hiện nay, VietinBank đã có sự đầu tư bài bản nhằm phục vụ tốt nhất các nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp FDI thông qua việc cung ứng các cơ chế chính sách đặc thù dành cho KH FDI. VietinBank còn thành lập Japan Desk, Korea Desk và Chinese Desk để chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả phát triển KH FDI Nhật Bản, Hàn Quốc và nhóm KH nói tiếng Trung.
VietinBank cũng thiết lập quan hệ hợp tác với các định chế tài chính uy tín trên toàn thế giới (JFC, Bank of America, Commerzbank, KDB, Krungsri Bank, Kasikorn Bank, KeximBank, các ngân hàng địa phương Nhật Bản) nhằm triển khai các chương trình kết nối kinh doanh (Business Matching) cho các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam.
Xét về mặt danh tiếng, VietinBank luôn nằm trong top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes trong vòng 6 năm liên tiếp và top 400 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới theo xếp hạng của Brand Finance.
Về kinh nghiệm, VietinBank là đối tác chiến lược dài hạn được tin tưởng của đông đảo các KH với tên tuổi hàng đầu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore như: LG Electronics, Lotte, Hyosung, Piaggio, Brotex, Gain Lucky, CP, Phú Mỹ Hưng, VSIP…
Chất lượng hoạt động của VietinBank được minh chứng bằng tổng dư nợ cho vay tăng 35% mỗi năm. Trong đó, số lượng khách hàng FDI tăng mạnh 16% mỗi năm, đạt gần 3.000 khách hàng vào cuối năm 2017.
Mới đây, VietinBank đưa ra thông điệp “VietinBank – Ngân hàng nội địa dành cho doanh nghiệp quốc tế” như tuyên ngôn khẳng định sức mạnh đáp ứng nhu cầu cho các đối tác lớn toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam.
Theo Thu Hà/Vietnamfinance