Nhiều vụ đòi nợ thuê biến tướng mang tính chất “xã hội đen”, cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, việc cấm hay không cấm loại hình dịch vụ này lại là câu hỏi khó.
Trước hết, phải nhìn nhận rằng, hiện nay, dịch vụ “đòi nợ thuê” là hợp pháp và được pháp luật công nhận.
Cụ thể, việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ban hành ngày 14/6/2007 và điều kiện để được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng được Chính phủ quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016.
Tuy nhiên, trước nhiều biến tướng mang tính “xã hội đen”, UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Trước đó, Bộ tài chính đã đề xuất quy định người lao động của doanh nghiệp đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Việc siết lại hoạt động đòi nợ thuê là cần thiết, tuy nhiên, cấm hay không cấm loại hình dịch vụ này lại là câu hỏi khó cho cơ quan chức năng.
Một chuyên gia pháp lý cho rằng dịch vụ đòi nợ là nhu cầu tất yếu của xã hội phát sinh trong quan hệ dân sự vay nợ – trả nợ. “Cấm không cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ là bước đi thụt lùi trong công tác quản lý. Điều chắc chắn rằng có cấm thì việc đòi nợ vẫn tồn tại và mọi người sẽ lấy tư cách đại diện cá nhân để đi đòi, lúc đó nhà nước sẽ khó quản lý hơn”.
” Việc này nên quản theo hướng: Vì đòi nợ thuê là dịch vụ kinh doanh có điều kiện nên nhà nước có quyền xây dựng các quy định và chế tài theo hướng thật chặt chẽ, thậm chí khắt khe, nhằm quản lý tốt vấn đề về an ninh trật tự và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân…”
Đồng quan điểm, LS Nguyễn Hải Nam – Văn phòng LS Công Quyền (TP.HCM), việc đòi nợ là yêu cầu chính đáng của người cho vay nợ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Bên vay cũng phải có nghĩa vụ trả nợ cho người cho vay.
Tuy nhiên, việc đòi nợ cũng phải được tiến hành bằng các biện pháp hợp pháp như khởi kiện, đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp… Luật pháp cũng không cấm việc thuê người khác (dịch vụ) để thực hiện việc thu hồi nợ, nhưng cũng phải thực hiện đúng pháp luật. LS Nam cho hay.
Trong đề xuất Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê, trong trường hợp không thể cấm, TP.HCM đề nghị T.Ư ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động như quy định về đồng phục, thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, cấm đòi qua thân nhân và gia đình của khách nợ, quy định số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ… để tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Theo Văn phòng UBND TPHCM, tính đến cuối năm 2017, thành phố có 65 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tuy nhiên, chỉ có 44 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục và được công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để hoạt động. Số còn lại hoạt động “chui”.
Hiện Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi các quy định về dịch vụ đòi nợ thuê theo hướng siết chặt hơn, còn trên báo chí, cộng đồng mạng, tranh cãi giữa cấm hay không cấm dịch vụ này vẫn đang tiếp diễn mà ai cũng có cái lý của mình.
Theo Thanh Bút/Thương Gia