Theo tổng hợp của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 3.
Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại (ngoại trừ các ngân hàng thương mại nhà nước) đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động cao hơn để thu hút lượng tiền gửi bù đắp cho thanh khoản căng thẳng do tín dụng tăng mạnh và áp lực lạm phát gia tăng.
Tuy vậy, lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục được neo ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế hồi phục sau dịch.
Lãi suất huy động nhích tăng
Theo tổng hợp của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 3.
Cụ thể, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 6 tháng tăng nhẹ 0,03 điểm phần trăm lên mức 4,82%; trong khi lãi suất huy động 12 tháng trung bình cũng tăng 0,04 điểm phần trăm lên mức 5,58% vào cuối tháng 3.
Mức giảm so với cùng kỳ năm 2021 của cả 2 loại lãi suất trung bình này cũng rút ngắn xuống còn 0,02 và 0,03 điểm phần trăm.
Trong số đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn với vốn trên 5.000 tỷ đồng tăng 0,02 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 6 tháng lên 4,59%/năm và 0,03 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 12 tháng lên 5,34%/năm.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng nâng lãi suất của 2 loại kỳ hạn trên thêm 0,04 điểm phần trăm và 0,05 điểm phần trăm, lên lần lượt 5,46% và 6,09%/năm.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 3. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,78%/năm trong tháng thứ 10 liên tiếp; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 8 tháng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 5,04%, mức tăng khá ấn tượng so với cùng kỳ năm 2021 (2,16%).
Điều này cho thấy nhu cầu về vốn khi các hoạt động sản xuất kinh doanh được mở cửa hoạt động trở lại đang rất lớn và cũng phần nào giải thích cho việc thanh khoản hệ thống ngân hàng có phần căng thẳng hơn trong các tháng đầu năm, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên mặt bằng cao mới cũng như lãi suất huy động có diễn biến nhích tăng.
Trong báo cáo chiến lược tháng 4/2022 của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho biết, trong bối cảnh tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã tăng đáng kể trong quý 1/2022 với mức tăng gần 70 điểm cơ bản so với đầu năm cho cả kỳ hạn qua đêm và 1 tuần.
Về lợi suất trái phiếu Chính phủ, chênh lệch giữa lợi suất dài hạn và ngắn hạn trên thị trường thứ cấp đã thu hẹp đáng kể kể từ giữa tháng 2/2022, tương đồng với diễn biến tăng của lợi suất trái phiếu trong khu vực.
Theo SSI, đường cong lợi suất phẳng hơn, phản ánh thị trường vẫn đang kỳ vọng lợi suất ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi đối mặt với nhu cầu tín dụng tăng và áp lực lạm phát gia tăng. Những yếu tố này đã tạo ra áp lực tăng đáng kể đối với lãi suất huy động và cho vay.
Chưa tác động nhiều đến lãi suất cho vay
Với diễn biến lãi suất như trên, nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay có thể sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.
Điều này sẽ gia tăng thêm áp lực trong quá trình hồi phục, nhất là khi hầu hết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với bài toán chi phí nguyên vật liệu, logistics… tăng mạnh.
Mục tiêu giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch có thể sẽ gặp nhiều thách thức hơn trước bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp diễn trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được neo ở mức thấp như vừa qua để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.Hồ Chí Minh, trong bối cảnh áp lực lạm phát và giá nguyên vật liệu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước nên điều hành lãi suất ổn định, không để các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lãi suất cho vay.
Bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp đang còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp sẽ không còn nhiều ý nghĩa trong trường hợp lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại nhích tăng trong thời gian triển khai chính sách hỗ trợ.
Phân tích của các chuyên gia BVSC cho thấy, chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,92% sau 3 tháng đầu năm 2022, mức tương đối thấp so với các năm gần đây. Yếu tố này vẫn đang cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho các tháng đầu năm 2022 để kích thích nền kinh tế hồi phục.
Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện rõ định hướng hỗ trợ với một trong các nhiệm vụ là chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm phần trăm trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với các bộ ban ngành liên quan trong việc ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện gói cấp bù lãi suất 2% cho 2 năm 2022-2023.
“Gói cấp bù lãi suất 2% một khi được thực hiện sẽ có hỗ trợ lớn đối với các doanh nghiệp trong việc cắt giảm chi phí và tăng cường hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh sau một giai đoạn dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do đó, với những động thái này, lãi suất trong năm 2022 sẽ duy trì ở mặt bằng thấp để hỗ trợ cho sự hồi phục của các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế”, BVSC nhận định.
Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tăng cường các giải pháp thực hiện ổn định thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và phục hồi kinh tế.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động làm cơ sở để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, lưu ý các tổ chức tín dụng không cạnh tranh tăng lãi suất trên địa bàn và thực hiện công khai niêm yết lãi suất, tỷ giá theo quy định.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, ngành ngân hàng thành phố sẽ tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách về tiền tệ – tín dụng và lãi suất nhằm bảo đảm ổn định lãi suất và thị trường tiền tệ.
Đây là yếu tố quan trọng, không chỉ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp mà còn thực hiện tốt chương trình phục hồi kinh tế.
Về phía các ngân hàng thương mại, việc nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động, giảm chi phí đầu vào sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thực tế, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 2/2022 của Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay – huy động được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03-0,06 điểm phần trăm trong quý 2/2022 và 0,13-0,18 điểm phần trăm trong cả năm 2022, chủ yếu là dự kiến tăng lãi suất huy động.
Đáng lưu ý, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tạm thời yên tâm với chi phí lãi vay chưa có nhiều biến động mạnh trong thời gian tới./.
Hứa Chung/TTXVN
Link nguồn: https://bnews.vn/dieu-chinh-bieu-lai-suat-huy-dong-lai-suat-cho-vay-lieu-co-tang-theo/240156.html