Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 16/8, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về tên gọi dự thảo Luật, tên gọi “Luật Dầu khí” đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi Luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết với các nhà thầu trong và ngoài nước về luật áp dụng đối với hoạt động dầu khí tại Việt Nam.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang sử dụng tên gọi Luật Dầu khí để điều chỉnh các hoạt động thượng nguồn.
Quy định tại dự thảo Luật đã đủ rõ về phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ tên gọi dự thảo Luật như đã trình, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1 dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hoạt động dầu khí thượng nguồn có đặc thù về triển khai hoạt động và gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Vì vậy, cần thiết có quy định riêng tại Luật chuyên ngành. Thực tế Luật Dầu khí hiện hành cũng đang xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động dầu khí thượng nguồn.
Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc.
Việc thiết lập chuỗi giá trị dầu khí từ tìm kiếm thăm dò đến chế biến dầu khí được thực hiện thông qua công tác lập, triển khai quy hoạch năng lượng và các quy hoạch khác có liên quan, bảo đảm tính tổng thể.
Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1 Điều 41 về nội dung này.
Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (Điều 4 dự thảo Luật), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, để bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội theo hướng: Quy định rõ tại khoản 1 Điều 4 về các trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí;
Bổ sung quy định tại khoản 2 về trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, tại các điều, khoản cụ thể, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa theo hướng quy định rõ những nội dung thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về điều tra cơ bản về dầu khí (Chương II dự thảo Luật), tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tại Điều 9 theo hướng bổ sung quy định về: cơ chế thực hiện, hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; nhiệm vụ chủ trì của Bộ Công Thương và giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung cụ thể.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định kinh phí điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ý kiến khác đề nghị phân định rõ trường hợp bố trí chi phí từ ngân sách Nhà nước; đối với hoạt động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự cân đối.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, công tác điều tra cơ bản về dầu khí là nhiệm vụ điều tra, khảo sát ban đầu phải thực hiện để đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Khi phê duyệt danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí sẽ xác định cụ thể về nguồn kinh phí đối với mỗi đề án.
“Tuy nhiên, công tác này có tính rủi ro cao, nhu cầu vốn lớn, cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân khác ngoài nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Ông thông tin, khoản 4 Điều 9 đã quy định cụ thể trách nhiệm phê duyệt, kiểm tra, giám sát của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan. Đối với kinh phí của PVN thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khoản 1 Điều 63 dự thảo Luật đã quy định chi phí này được thanh toán bằng nguồn lợi nhuận sau thuế của PVN.
Về hợp đồng dầu khí, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tách nội dung này thành khoản 2 Điều 37 dự thảo Luật. Tại phiên họp thứ 12 (tháng 6/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về cơ chế quản lý đối với tài sản là quyền lợi tham gia tiếp nhận từ nhà thầu nước ngoài tại Dự án dầu khí Lô 07/03 và Lô 135&136/03 theo hướng giao Chính phủ ban hành Nghị định về nội dung này.
Vì vậy, đề nghị giữ nội dung quy định tại khoản 4 Điều 37 dự thảo Luật theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt việc thực hiện quyền tham gia, quyền ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia và nhận chuyển giao toàn bộ quyền, quyền lợi và nghĩa vụ tham gia của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí; cơ chế quản lý, theo dõi, sử dụng, xử lý tài chính đối với tài sản và tiếp nhận quyền lợi tham gia từ nhà thầu.
Hoàng Thị Bích
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dieu-tra-co-ban-ve-dau-khi-tinh-rui-ro-cao-nhu-cau-von-lon-a564950.html