Hàng loạt quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài âm thầm đi thâu tóm quỹ đất, tăng cường sáp nhập và mua lại (M&A) khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn phải bán. Điều này có thể để lại những tác động không nhỏ.
Những thương vụ đình đám
Theo Tiền Phong, với tình trạng quỹ đất khan hiếm, thủ tục pháp lý để dự án được triển khai còn nhiều vướng mắc, nhiều doanh nghiệp bất động sản bị tổn thương sau đại dịch Covid-19 nay lại phải “phanh gấp” vì dòng vốn bị thắt chặt, buộc phải chuyển nhượng dự án, cổ phần cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Gần đây, tập đoàn CapitaLand liên tục thâu tóm các quỹ đất lớn ở Bình Dương và Tp.HCM. Cụ thể, CapitaLand hợp tác với Becamex IDC làm dự án phát triển Thành phố mới Bình Dương. Tập đoàn này sẽ tiếp nhận và phát triển một quỹ đất từ Becamex IDC để xây dựng dự án nhà ở quy mô lớn nhất của đơn vị này tại Việt Nam. Tổng giá trị phát triển dự án khoảng 18.330 tỷ đồng trên diện tích 18,9 ha, xây dựng khoảng 3.700 căn hộ và nhà ở. Giai đoạn đầu sẽ thực hiện trong năm 2022 – 2024 và toàn dự án sẽ hoàn thiện vào năm 2027.
CapitaLand cũng đang đàm phán một thương vụ khác trị giá 716 triệu USD để thâu tóm quỹ đất có vị trí đắc địa tại TP. Thủ Đức, Tp.HCM. Dự án có quy mô 8ha, với khoảng 1.100 căn hộ và shophouse. Dự kiến, quá trình mua lại dự án này hoàn thành vào quý IV/2023, bắt đầu khởi công năm 2024 và đưa vào hoạt động từ năm 2027.
Hôm 17/3, Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) công bố bổ nhiệm ông Dennis Ng Teck Yow giữ chức vụ tổng giám đốc, thay ông Nguyễn Ngọc Huyên vừa từ nhiệm. Trước khi sang Novaland, ông Dennis Ng Teck Yow là Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam.
Gamuda Land dưới thời ông Dennis Ng Teck Yow từng “gom” nhiều quỹ đất lớn ở Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Gamuda Land đã hoàn tất 2 thương vụ đình đám, gồm mua lại toàn bộ dự án Uni Galaxy ở Bình Dương từ Becamex TDC với giá gần 1.300 tỷ đồng và sáp nhập một công ty khác của Việt Nam để sở hữu dự án Elysian ở TP. Thủ Đức.
Tương tự, một “ông lớn” ngành bán lẻ lớn hàng đầu Thái Lan, đã hoạt động tại Việt Nam đã được 10 năm là Central Retail công bố đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bất động sản Việt Nam để phát triển các dự án phức hợp, trung tâm thương mại.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong tổng số gần 3,1 tỷ USD vốn ngoại (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023, bất động sản chiếm 396 triệu USD, đứng thứ 2 trong các lĩnh vực hút FDI mạnh nhất. Tuy nhiên, nếu tính cả số tiền rót vào các khu công nghiệp, con số sẽ là hàng tỷ USD.
Đơn cử như tại Bình Dương, trong 2 tháng đầu năm 2023, 90% vốn FDI trên địa bàn tỉnh “chảy” vào mảng bất động sản. Cụ thể, tỉnh đã thu hút 19,7 triệu USD vốn đầu tư cho 7 dự án mới, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Lo mất lợi thế sân nhà
Theo Zing, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư tại Savills Việt Nam cho biết dù Việt Nam chỉ là một điểm đến rất nhỏ trên bản đồ đầu tư toàn cầu nhưng các nhà đầu tư quốc tế vẫn luôn tìm kiếm cơ hội. Bởi lẽ đối với một thị trường 100 triệu dân như Việt Nam, nhu cầu với toàn bộ loại hình bất động sản từ nhà ở, công nghiệp, đến bán lẻ, văn phòng, khách sạn… đều ở mức cao.
Dù vậy, ông cho biết nguồn cung tài sản để những nhà đầu tư quốc tế này tiếp cận lại không nhiều. Đây là lý do số vốn đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp ngoại vẫn chưa cao, nếu so với các thị trường khác họ đã góp mặt.
Thực tế, trái với dự báo năm 2023 sẽ diễn ra hàng loạt màn thâu tóm do những khó khăn nặng nề của các doanh nghiệp bất động sản, diễn biến thực tế lại có phần trầm lắng.
Nếu tính thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu gặp khó từ tháng 4/2022, thì sớm nhất phải đến cuối năm 2023 – đầu năm 2024 mới xuất hiện nhiều thương vụ thành công.
Cùng quan điểm này, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam, đánh giá dù giai đoạn khó khăn hiện nay là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư thâm nhập ngành và mở rộng danh mục đầu tư, nhưng chỉ khi các vấn đề về tín dụng, trái phiếu và thanh khoản được tháo gỡ, thị trường M&A mới có thể thực sự sôi động.
Nhận định về vấn đề này với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) – nói rằng, các quỹ đầu tư ngoại thâu tóm thị trường là điều đã được ông cảnh báo rất nhiều lần, từ nhiều tháng trước.
Theo ông Châu, thời gian qua, một số doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để… tồn tại. Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO) và điều này sẽ tác động đến sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Do “tắc” nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu đến 40% giá hợp đồng.
“Việc bán dự án với giá hời tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính thị trường, có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Theo Dân Trí, bàn về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong hội nghị diễn ra mới đây, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Thực tế, hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn phải bán. Điều này sẽ có nguy cơ gây hệ lụy lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản và nhiều vấn đề khác của đất nước”.
Đào Vũ (T/h)