Dưới sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội ngày một thuận lợi trong tiếp cận và tận dụng cơ hội mang lại từ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đã mở rộng, vươn xa ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Hỗ trợ, nâng cao hiệu quả khai thác các FTA
Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các FTA, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, chủ động đề xuất Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn triển khai tại địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy các mặt hàng thế mạnh, nâng cao hiệu quả khai thác các FTA.
Nhờ đó, Thành phố đặc biệt chú trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết các ngành và các lĩnh vực kinh tế, từng bước đưa khu vực kinh tế này thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, một lực lượng nòng cốt tham gia khai thác hiệu quả thị trường các FTA.
Hiện nay Hà Nội có khoảng 2.600 doanh nghiệp xuất khẩu và khoảng 7.900 doanh nghiệp nhập khẩu từ các nước ký kết FTA. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội sang các thị trường FTA trong năm 2022 ước đạt khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội sang các nước gồm: Cơ kim khí, dệt may, da giày… |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, Sở đã tham mưu, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, gia tăng xuất, nhập khẩu. Tiêu biểu như kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác.
Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền về các FTA, thông tin tình hình thị trường, các kỹ năng nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp…
Về khía cạnh doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho hay, việc các FTA có hiệu lực là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và sản phẩm.
Đáng chú ý, từ năm nay, ngành dệt may sẽ tiếp tục được hưởng lợi do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU nhờ Hiệp định EVFTA. Trong đó, các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2%-4% thuế xuất khẩu.
“Lợi ích của các hiệp định thương mại tự do với việc kinh doanh của doanh nghiệp đã thể hiện rất rõ nét. Tuy nhiên, để nhận được những ưu đãi thuế quan, phía Việt Nam cũng phải đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, xuất xứ trong sản phẩm. Vì thế, doanh nghiệp cần phải làm rất nhiều việc thì mới có thể tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại này”, ông Giang nói.
Cần những giải pháp đột phá
Tuy bước đầu đã tận dụng tốt các FTA, song theo các chuyên gia kinh tế, dư địa để khai thác lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do còn rất lớn. Theo Sở Công Thương Hà Nội, số lượng doanh nghiệp của Hà Nội có giao dịch xuất khẩu với các nước ký kết FTA còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng, đồng thời số doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA chưa nhiều. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thích ứng với những thị trường có FTA. Đây cũng là thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố.
Phân tích kỹ hơn về năng lực đáp ứng của doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, để được hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng các quy định về xuất xứ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra lúng túng khi xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thậm chí còn thiếu kiến thức và năng lực thay đổi sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu đưa ra từ phía khách hàng EU…
Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Phạm Ngọc Thạch chỉ rõ, còn cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp với khả năng đáp ứng hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước, các địa phương. Mặt khác, những biện pháp hỗ trợ như đào tạo, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại hay hỗ trợ chính sách… vẫn áp dụng chung cho tất cả các ngành mà chưa đi sâu cụ thể vào ngành nghề, mặt hàng và lĩnh vực chiến lược cần tận dụng các FTA.
Từ kết quả điều tra, khảo sát nhận thấy, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập một cách hiệu quả hơn nữa, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của họ. Theo đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng thời cần những giải pháp mạnh mẽ và đột phá hơn nữa để gia tăng lợi ích mà các hiệp định này mang lại.
Theo ngành công thương, thời gian tới, việc triển khai các FTA sẽ bước vào giai đoạn thực thi những cam kết mạnh mẽ hơn, do đó rất cần những đổi mới trong cách thức hỗ trợ để doanh nghiệp có thể yên tâm mở rộng thị trường. Cần hình thành hệ sinh thái kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp.
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA hằng năm của các địa phương (FTA Index), đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai. Bộ chỉ số FTA Index sẽ giúp các tỉnh, thành phố thay đổi tư duy và cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng các FTA.
Về phía các doanh nghiệp, cần phải bảo đảm phát triển xuất khẩu bền vững, phát triển sản xuất xanh, sản phẩm xanh, đáng tin cậy; tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, để khai thác hiệu quả hơn lợi thế từ các FTA đem lại, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Diêu Anh