Theo chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm khiến đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may, da giày cũng sụt giảm theo.
Dệt may, da giày gặp khó
Chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA” sáng 16/8, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, thị trường EU và Hoa Kỳ đang giảm sút về nhu cầu tiêu dùng. Đây là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua trong 6 tháng cuối năm.
“Vấn đề tồn kho của ngành da giày đang khá lớn. Hiện tồn kho do gián đoạn chuỗi cung ứng tác động đến tồn kho tiêu thụ hàng hóa khiến đơn hàng cuối năm sẽ có phần chững lại. Chúng ta thấy, các đơn hàng từ nay đến quý I/2023 của các doanh nghiệp da giày đã gần như bị suy giảm”, bà Xuân cho hay.
Tuy nhiên, bà Xuân vẫn cho rằng, dù tổng cầu của thế giới giảm nhưng với lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì các đơn hàng dịch chuyển cho Việt Nam sẽ vẫn được duy trì tốt như giai đoạn chống dịch Covid-19 tốt. Nếu vậy các đơn hàng suy giảm không đáng kể.
Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, hiện sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam có vị thế khá tốt trên thế giới, đó là đứng thứ 2 về xuất khẩu sang Trung Quốc và đứng thứ 3 về sản xuất sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành da giày đã vượt kế hoạch đặt ra, đó là tăng trưởng 14% và theo số liệu mới nhất 7 tháng là tăng trưởng 13%, đạt trên 14 tỷ USD. Mức tăng trưởng này là tăng đều các thị trường trọng điểm như: Bắc Mỹ tăng trưởng 24%; EU tăng 17,5%…
Cũng nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, linh hoạt vượt qua khó khăn trong đại dịch, năm 2020, ngành dệt may Việt Nam vượt Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may toàn cầu trung bình một năm khoảng 700 đến 750 tỷ USD. Trung Quốc xuất khẩu 300 tỷ USD, chiếm khoảng 40%, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ là những quốc gia top sau đứng ở thị phần rất khiêm tốn khoảng 5-6% trong tổng nhu cầu nhập khẩu đó.
Tuy nhiên đến nay, do căng thẳng địa chính trị trên thế giới, tình hình lạm phát diễn biến phức tạp, dệt may cũng đối diện với một số khó khăn.
Tại toạ đàm, ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, Tập đoàn đã nhìn thấy những rủi ro trong nửa cuối năm nay do tình hình lạm phát và căng thẳng trên thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng.
“Đối với ngành may, những khó khăn xuất hiện khi nhu cầu 6 tháng cuối năm có thể sụt giảm”, ông Đức Anh nói.
Vị này cũng cho biết, tháng 3 vừa qua Uỷ ban châu Âu đã thông qua một Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may của EU. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. “Đây cũng là một khó khăn, thách thức cho ngành dệt may khi những yêu cầu được luật hoá”, ông nói.
Doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường
Nhận định về khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các yếu tố bên ngoài như cuộc xung đột Nga – Ukraine và chính sách zero Covid-19 tại Trung Quốc… khiến giá cả thế giới, đặc biệt giá nhiên liệu, xăng dầu, lương thực cũng bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không tránh khỏi.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao, tăng lãi suất, tăng tỉ giá cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Để “cứu vãn” tình trạng suy giảm đơn hàng, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung một số thị trường mà cần đa dạng hóa thị trường từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu. Hiệp hội Da giày – Túi xách sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thêm thị trường mới để giảm bớt khó khăn.
Theo ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), doanh nghiệp cần khai thác tốt các cơ hội từ các FTA đã ký kết để hưởng ưu đãi về thuế quan, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông cho biết, hiện nhiều nước đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.
“Chính vì vậy, thời gian tới xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã có FTA được dự báo sẽ khả quan, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại kỳ vọng.
Nguyễn Thu Huyền
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-det-may-da-day-doi-dien-tinh-trang-suy-giam-don-hang-a564952.html