Nhiều doanh nghiệp khi xảy ra sự cố rủi ro đã bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường thiệt hại với nhiều lý do, dẫn tới hai bên phải kiện nhau ra tòa án phân xử.
Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã ý thức hợp tác với công ty bảo hiểm để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra đối với các tài sản có giá trị lớn như hàng hóa, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, xe máy chuyên dụng, tàu cá… Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp lại vướng vào rắc rối tranh chấp quyền lợi bảo hiểm ngày càng tăng cao, thậm chí theo đuổi các vụ kiện kéo dài gây tốn kém thời gian, công sức và chi phí.
Hàng loạt các vụ việc tranh chấp quyền lợi bảo hiểm xảy ra thời gian qua, khiến doanh nghiệp đau đầu vì cam kết trách nhiệm của đơn vị bảo hiểm bị “bỏ quên”.
Có thể dẫn chứng vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm mọi rủi ro tài sản giữa Công ty Paldo Vina và Công ty TNHH Bảo hiểm Liberty. Trước đó, đêm ngày 27/8/2017 đã xảy ra một vụ cháy thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng của Paldo Vina tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng. Phía Bảo hiểm Liberty cho rằng đơn vị này đã thu thập được những sự kiện để có thể kết luận một cách hợp lý rằng hệ thống phòng cháy chữa cháy của Paldo Vina đã không hoạt động vào thời điểm vụ cháy nhà máy. Do đó, Liberty đã loại trừ trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.
Hay vụ việc Công ty cổ phần thép Việt Mỹ và Công ty bảo hiểm PJICO Đà Nẵng ký hợp đồng bảo hiểm lô hàng 1.799 tấn thép vào cuối năm 2016. PJICO Đà Nẵng đã cấp đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường biển trong lãnh thổ Việt Nam cho lô hàng trên bằng tàu Quang Trung 05 – BLC. Ngày 21/10/2017, tàu Quang Trung và tàu New Port Cypress va chạm tại khu vực sông Nhà Bè luồng Sài Gòn – Vũng Tàu khiến tàu cùng toàn bộ lô hàng bị chìm.
Sau đó, Công ty thép Việt Mỹ đã gửi hồ sơ yêu cầu PJICO Đà Nẵng bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, PJICO Đà Nẵng từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do tàu Quang Trung đã bố trí định biên không đầy đủ là không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông để loại trừ bảo hiểm.
Một trường hợp khác là Công ty Thanh Thúy cũng bị Công ty Bảo hiểm Pjico Sài Gòn từ chối bồi thường cho lô hàng của công ty này do sự cố điện cháy nổ hồi năm 2013. Tổng giá trị hàng hoá bị thiệt hại là 17 tỉ đồng. Nhưng công ty bảo hiểm chỉ chấp nhận bồi thường 377,8 triệu đồng. Công ty Thanh Thúy đã mời giám định lại và tiến hành khởi kiện yêu bồi thường 9,27 tỉ đồng. Vụ kiện tranh chấp bồi thường bảo hiểm này đã kéo dài nhiều năm qua mà đến giờ vẫn chưa có hồi kết.
Gần đây nhất là trường hợp tranh chấp giữa Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) với một khách hành là doanh nghiệp ở Hà Tĩnh, sau khi các bên không thống nhất được mức bồi thường bảo hiểm.
Để lý giải về tình trạng tranh chấp bảo hiểm, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, các vụ tranh chấp bảo hiểm về tài sản, hàng hóa của doanh nghiệp thường diễn ra “ngầm” do yêu cầu giữ bí mật kinh doanh. Nội dung tranh chấp chủ yếu như nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm, hiệu lực và phạm vi của hợp đồng bảo hiểm, điều kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, mức độ tổn thất.
Theo luật sư Tú, nguyên nhân tranh chấp là do lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm khá phức tạp, có nhiều luật điều chỉnh như Luật kinh doanh bảo hiểm và hàng chục văn bản dưới luật, bộ luật dân sự, luật thương mại và các luật chuyên ngành khác như luật hàng hải, các văn bản hướng dẫn đi kèm… Ngôn ngữ hợp đồng và quy tắc bảo hiểm đôi khi “máy móc”, dùng thuật ngữ chuyên ngành sao chép từ nước ngoài, cho nên khi ký hợp đồng bảo hiểm, đa phần doanh nghiệp không hiểu hết về nội dung hợp đồng, pháp luật về bảo hiểm.
Công ty bảo hiểm chỉ hướng khách hàng vào những quyền lợi, ưu đãi, mà đôi khi giải thích không rõ ràng về phạm vi bảo hiểm, điều kiện hưởng bảo hiểm, hướng dẫn khách hàng cách kê khai đúng, đủ và tránh các lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu, giải thích về các trường hợp loại trừ trách nhiệm của bên bảo hiểm…
Đáng chú ý, hợp đồng bảo hiểm của các công ty bảo hiểm có xu hướng “cài cắm” nhiều nội dung bất lợi cho khách hàng, đặc biệt là điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường. Chưa kể đến, có tình trạng hợp đồng mẫu một kiểu, hợp đồng ký với khách hàng một kiểu khác.
Đơn cử, Hợp đồng bảo hiểm luôn có mẫu câu: “Nếu không hòa giải được, các bên sẽ mang ra tòa án để giải quyết tranh chấp” mà thực tế, quá trình tố tụng của vụ án thường kéo dài nhiều năm, khiến cho doanh nghiệp chờ được bồi thường bảo hiểm thì “má đã sưng” vì khó khăn, nợ nần chồng chất, nguy cơ phá sản sau những rủi ro đắm tàu, hoả hoạn…
“Do tính phức tạp, khi xảy ra sự cố bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ bị rối bời, không biết bắt đầu từ đâu để giải quyết, dẫn đến sai sót, không đáp ứng quy trình giải quyết bồi thường theo quy định. Ví dụ: Không có động tác kịp thời như lập biên bản hiện trường, vi bằng làm bằng chứng về sự kiện bảo hiểm; Hệ thống nhà xưởng, thiết bị không được thống kê đầy đủ dẫn đến khó chứng minh thiệt hại”…
Do đó, các doanh nghiệp được khuyến nghị nên tìm hiểu kỹ khung pháp lý và nội dung giao dịch trước khi ký các hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho mình. Đồng thời, yêu cầu được công ty bảo hiểm giải thích quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, có quyền đàm phán hợp đồng. Nếu xảy ra sự cố, doanh nghiệp cần rà soát toàn bộ hồ sơ bảo hiểm, nhanh chóng phối kết hợp với đơn vị bảo hiểm để xử lý đúng quy trình, trường hợp cần thiết có thể tham vấn ý kiến chuyên gia.
Theo Mai Hoa/Môi trường và Đô thị