Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản đã thu hút trên 150 doanh nghiệp 2 nước tham dự, cùng một loạt biên bản ghi nhớ hợp tác năng lượng đã được ký kết.
Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản.
Diễn đàn là một sự kiện quan trọng hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 2023 của hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, về phía Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam luôn cam kết ủng hộ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ Công Thương sẽ luôn hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như thu hút đầu tư Nhật Bản với chất lượng cao hơn, sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.
Về phía Nhật Bản, ông Shigetoshi Aoyama – Phó Chủ tịch JETRO đánh giá Việt Nam là đến tin cậy của các nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, điển hình là năng lượng, phát triển các chuỗi cung ứng, thúc đẩy tự do hoá thương mại… kể cả trong giai đoạn dịch bệnh.
“Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Nhật Bản và cả hai bên sẽ cùng hợp tác để tăng cường sự ổn định của chuỗi cung ứng hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch”, ông Shigetoshi Aoyama bày tỏ.
Qua khảo sát của JETRO, có trên 55% doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư trở lại Việt Nam trong hai năm tới và tỉ lệ này ở Việt Nam hiện dẫn đầu các nước Đông Nam Á. Diễn đàn là cơ hội tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ 2 nước và góp phần cho sự thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty Chubu Electri Power, Sojitz và Amano Emzyme đề xuất về việc hợp tác phát triển năng lượng tại các khu công nghiệp ở Việt Nam, phát triển thị trường cho các sản phẩm enzyme…
Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét các cơ chế về điện áp mái, sớm phê duyệt và ban hành Quy hoạch điện VIII, hoàn thiện cơ chế ban hành mua bán điện trực tiếp…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam có định hướng tập trung tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, tập trung chế biến sâu về nông sản, thực phẩm phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp nền tảng, là những lĩnh vực có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam.
Trong chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đã tuyên bố tại Hội nghị COP 26 sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Mục tiêu tham vọng này là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng để phát triển hợp lý các lĩnh vực điện sinh khối, điện khí…
Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản với Diễn đàn để giải đáp trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hợp tác kinh doanh và đầu tư thành công. Cam kết hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước đã được thể hiện qua một loạt biên bản ghi nhớ đã được ký tại diễn đàn.
Nguyễn Thu Huyền
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-cam-ket-tang-dau-tu-nang-luong-tai-viet-nam-a566358.html