Home Kinh tế vĩ mô Doanh nghiệp nhỏ và vừa vướng bài toán nhận thức và nguồn...

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vướng bài toán nhận thức và nguồn lực trong chuyển đổi số

0

Triển khai chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là về nhận thức và nguồn lực.

Toạ đàm những vướng mắc và giải pháp thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Chuyển đổi số là lộ trình tất yếu của không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên việc triển khai chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là về nhận thức và nguồn lực.

Đây là nội dung được nhiều doanh nghiệp đề cập tại Toạ đàm những vướng mắc và giải pháp thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 27/8.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số là thay đổi phương thức quản trị, vận hành, dựa vào dữ liệu và công nghệ số. Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực để nghiên cứu công nghệ lõi nhưng lợi thế của mình là có thể chuyển đổi nhanh gọn hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn. Chính vì thế, nên nhìn nhận chuyển đổi số là cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra bước đột phá mới trong thời gian ngắn hơn là áp lực hay thách thức.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa là chưa có nhận thức đúng về chuyển đổi số, đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu. Nhận thức nghĩa là thấy được nhu cầu, lợi ích của việc chuyển đổi số và quyết liệt hành động chứ không nhất thiết phải am hiểu về công nghệ.

“Nhiều doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi, khi nào thì cần chuyển đổi số. Câu trả lời là ngay bây giờ, chuyển đổi trước khi khủng hoảng sẽ tốt hơn là đợi gặp khủng hoảng mới bắt đầu chuyển đổi. Chuyển đổi số bắt đầu bằng việc ứng dụng các nền tảng số để sử dụng công nghệ như một dịch vụ. Để làm được, đầu tiên doanh nghiệp cần tư duy lại về góc nhìn kinh doanh. Giá rẻ không còn là lợi thế mà sự linh hoạt, hiểu khách hàng mới là lợi thế. Mô hình kinh doanh cũng thay đổi, doanh nghiệp nhỏ và vừa có giá trị gia tăng cao có thể bán trải nghiệm chứ không chỉ bán hàng.”, ông Nguyễn Huy Dũng phân tích.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận Tân Phú cho rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như năng suất sản xuất hàng hoá không thể tăng được nếu doanh nghiệp không ứng dụng chuyển đổi số. Trên thực tế, việc chuyển đổi số được nhiều doanh nghiệp quan tâm và triển khai nhưng chỉ mới xoay quanh nền tảng phục vụ quản trị văn phòng chứ ít liên quan đến máy móc sản xuất. Do đó doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận xu hướng cạnh tranh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đang loay hoay với bài toàn nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm.

“Chúng ta chưa thật sự có cú hích, chính sách nào ưu tiên cho các doanh nghiệp chuyển đổi số hoá máy móc, số hoá các dữ liệu trong nhà máy. Doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng nhanh nhưng nguồn lực còn hạn chế. Trong khi đó, đến giờ này chưa có chương trình nào hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đề xuất nên có chương trình hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số toàn phần cả về quản trị và máy móc để gia tăng năng lực cạnh tranh” – ông Nguyễn Viết Toàn chia sẻ.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) nêu vấn đề, bên cạnh những doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về chuyển đổi số và thiếu nguồn lực triển khai thì cũng không ít doanh nghiệp gặp khó khi tìm đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp. Các công ty cung cấp giải pháp rất nhiều nhưng thực tế là một giải pháp được cung cấp cho nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau hoặc một công ty cung cấp nhiều giải pháp khác nhau có sự chồng lấn, khó vận hành đồng bộ. Việc này khiến các doanh nghiệp loay hoay không biết chọn giải pháp nào để chuyển đổi nhanh gọn nhưng đáp ứng được những yêu cầu, thông số quản trị của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ câu chuyện thực tế tại đơn vị. Theo đó, công ty đã ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số và hiện đang trong quá trình vận hành thử nghiệm. Trong quá trình thực hiện phát sinh vấn đề là doanh nghiệp không am hiểu về công nghệ nên không biết cách đặt đề bài cho đơn vị viết phần mềm.

Đơn vị viết phần mềm phải mất đến 6 tháng để ngồi làm việc với từng phòng ban, công ty thành viên để nắm bắt quy trình. Thêm vào đó, các công ty viết phần mềm chỉ chuyên về một lĩnh vực nên gặp khó khăn khi viết phần mềm cho cả hệ sinh thái gồm nhiều ngành nghề khác nhau.

Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận Tân Phú chia sẻ thực tế chuyển đổi sô trong các doanh nghiệp tại toạ đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

“Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng như chiếc áo, không phải cái nào nhìn đẹp mình mặc vào cũng đẹp mà phải chọn cái phù hợp với vóc dáng. Do đó, không phải cứ hợp tác với một đơn vị lớn thì sẽ có được giải pháp chuyển đổi số hiệu quả. Quan trọng là quá trình hợp tác doanh nghiệp và đơn vị cung cấp giải pháp phải trao đổi cụ thể, chi tiết để hiểu rõ nhu cầu, từ đó thiết kế ra giải pháp tối ưu nhất” – ông Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Tp. Hồ Chí Minh lưu ý các bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp thời gian qua. Trước tiên, chuyển đổi số phải căn cứ vào túi tiền và nguồn thu của mình để vạch ra lộ trình,  gắn chuyển đổi số với mô hình kinh doanh và giá trị mục tiêu.

Chuyển đổi số từng phần nên bắt đầu từ hai chỗ trong doanh nghiệp đó là chỗ nào kiếm được tiền nhiều nhất thì chuyển đổi số ở đó; chỗ nào làm ra tiền bền bỉ nhất thì chuyển đổi số ở đó. Chuyển đổi số là thay đổi và thích nghi, do đó, không có quy trình nào là cố định mãi. Hơn nữa, doanh nghiệp phải chấp nhận tư duy dài hạn trong chuyển đổi số, phải tính bằng 3-5 năm để từ đó chuẩn bị nguồn lực theo đuổi đến cùng.

Doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số bên lề toạ đàm. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN

Về phương pháp thực hiện, ông Lâm Nguyễn Hải Long cho rằng, phải có nhóm chuyên trách chuyển đổi số mà đứng đầu là chủ doanh nghiệp. Cái gì có lợi làm trước, cái gì chưa có lợi thì làm sau. Chuyển đổi từ những cái nhỏ nhất như đổi văn bản giấy qua SMS, làm từ dễ đến khó. Tuỳ theo doanh nghiệp, có thể làm từ trong ra ngoài, từ chuyển đổi số trong nội bộ trước khi làm những ứng dụng phát triển ra thị trường./.

Xuân Anh/TTXVN

Link nguồn: https://bnews.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-vuong-bai-toan-nhan-thuc-va-nguon-luc-trong-chuyen-doi-so/256324.html