Ông Trần Văn Minh, thường được gọi là ông Minh Nhớp
Ông Trần Văn Minh, thường được gọi là Minh Nhớp, là một trong những doanh nhân điển hình cho một giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nỗ lực “chòi đạp” của nhiều doanh nhân đã đem lại cho họ những thành tựu rất đáng nể, nhưng cũng đưa lại những rủi ro và bi kịch…
Kỳ I: Từ người tiên phong đến điển hình GETRADIMEX
Khi người Việt trong nước đang có nhiều cuộc hội hè tôn vinh doanh nhân thì qua trang cá nhân, tôi nhận được tin nhắn từ ông Trần Văn Minh, một doanh nhân gặp nạn đang lưu lạc gần 20 năm nay trên đất Mỹ. Tin nhắn cho hay ông đã đọc được bài tôi viết về ông cách đây vài năm đã được xuất bản trong cuốn sách: “Giữa dòng xoáy cuộc đời”.
Theo ông Trần Văn Minh, những thông tin về cơ bản là chính xác. Ông chỉ xin bổ sung thêm vài chi tiết mà bài viết còn chưa đề cập đến. Do trốn lệnh truy nã nên ông phải lưu lạc ở chốn đất khách quê người trong hoàn cảnh không việc làm, không thu nhập, không phúc lợi xã hội. Hàng ngày ông phải mưu sinh bằng việc thu lượm phế liệu khi tuổi già sầm sập kéo đến. Tuổi cao, sức khoẻ yếu lại thêm bệnh tật thường xuyên, ông khát khao được trở về quê hương bản quán để sống nốt phần đời còn lại. Ông đã có đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét lại vụ việc của Công ty của ông cách đây 20 năm và sẵn sàng chịu trách nhiệm về những điều đã làm.
Tuy nhiên, đáp lại lá đơn đó là vô vọng hoặc trả lời chung chung mà chưa có kết luận thấu đáo. Xin được đăng lại câu chuyện về ông để ai đó tham gia thương trường hiểu thêm về thân phận của một doanh nhân, đặc biệt là vào thời kỳ đất nước mới mở cửa.
Người tiên phong
Với người Hà Tĩnh, cách đây hơn 20 năm, khi nền kinh tế mới mở cửa, cái tên Minh Nhớp nổi lên như môt hiện tượng, đó là anh hùng xứ Núi Hồng- Sông Lam. Năm 1994, khi mới bước vào nghề báo, đến Hà Tĩnh công cán, tôi đã nghe danh ông, nhìn thấy nhà máy chế biến gỗ của ông hoành tráng, lòng thầm ngưỡng mộ.
Tên thật của ông là Trần Văn Minh, sinh năm 1954. Do có xuất phân thuộc thành phần không cơ bản, tầng lớp phi vô sản, nên tuổi thơ của ông long đong lận đận. Cải cách 1956, gia đình ông bị đấu tố, bị trưng thu hết ruộng vườn tài sản, ông nội bị xử tử trước mặt gia đình. Đó là khởi đầu cho cuộc đời lặn ngụp kiếm miếng ăn qua ngày, rồi phiêu bạt sang tận Mỹ.
Trong những năm 1970, chàng thanh niên Trần Văn Minh phải gia nhập đội thanh niên xung phong, khuân vác, phá dỡ bom mìn… Hết nghĩa vụ, ông Minh về bám quốc lộ, hành nghề sửa xe đạp cho khách trung lưu và cán bộ công cán. Tay chân lấm lem dầu mỡ, khi buông cờ lê, mỏ lết, để thực hiện các thao tác khác, ông thường tiện tay chùi vào áo quần, khiến toàn thân ông như vừa mới được móc từ cống lên. Biệt danh “Minh Nhớp” có từ đó.
Sau 1975, như nhiều người dân miền Bắc, ông Minh làm cuộc Nam tiến tìm đường vào Sài Gòn làm ăn. Tới những năm 1980, nước ta lâm vào khủng hoảng nhiều mặt, đời sống ngày càng khó khăn chật vật. Đó cũng là thời kỳ mà những người buôn lậu có đất sống.
Với bản năng thông minh, Minh Nhớp đã vượt qua các trạm kiểm soát để đưa hàng từ Sài Gòn ra, cung cấp cho đồng bào miền Bắc. Đặc biệt là ở thời đói kém, gạo là mặt hàng một vốn bốn lời. Dẫu bị bắt nhiều lần, nhưng nói chung Minh Nhớp vẫn thắng.
Từ một thương nhân buôn gạo, có chút vốn liếng, tích luỹ nhiều kinh nghiệm, lại được lúc Sài Gòn được thông thoáng, Minh Nhớp ấp ủ tham vọng vươn ra làm xuất khẩu, bắt tay bắt chân với mấy ông Ba Tàu ở Chợ Lớn, có dây nhợ với Hongkong.
Giờ nghe khái niệm này thấy lãng xẹt, bởi khi thị trường không biên giới của WTO xuất hiện, chuyện mua của ai, ở đâu, bán chỗ nào đâu thành vấn đề. Nhưng ở thời điểm mà xứ ta còn đang khép kín thì chuyện bắt chân bắt tay với mấy ông nước ngoài đã có thể đưa vào tầm ngắm của cơ quan an ninh. Còn có cả chuyện trao đổi hàng hoá hay tiền bạc, thì không chừng bị khép tội gián điệp bất kỳ lúc nào.
Xuất nhập khẩu là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước. Thế mà ông Minh dám nghĩ đến chuyện làm tư nhân, quả thật là gan cóc tía. Đầu những năm 80, ông Minh gia nhập Công ty công nghệ thực phẩm để rồi năm1983 ông được giao làm Giám đốc xí nghiệp kinh doanh sản xuất trực thuộc Công ty Công nghệ phẩm Nghệ Tĩnh. Xí nghiệp của ông được trao quyền tự chủ kinh doanh chỉ nộp khoán thu nhập cho Công ty theo quý theo năm.
Điển hình GETRADIMEX và chuyện “buôn cơ chế”
Rồi, bằng tài ngoại giao của mình, ông cũng cho ra đời được cái gọi là: “Công ty Xuất nhập khẩu Nội thương Nghệ Tĩnh” vào đầu năm 1989. Năm 1991, sau khi chia tách tỉnh, Công ty của ông được bàn giao toàn bộ cho tỉnh Hà Tĩnh và được đổi tên thành “Công ty Kinh Doanh Tổng Hợp Ðầu Tư Sản Xuất Xuất Nhập Khẩu Hà Tĩnh”, gọi tắt là GETRADIMEX. Công ty ra đời khi chưa có Luật Doanh nghiệp đều phải mang danh doanh nghiệp nhà nước, nhưng thực chất nhà nước không cấp cho một xu vốn nào.
Năm 1991, Hà Tĩnh được tách ra từ Nghệ Tĩnh. Ông Trần Quốc Thại làm Bí thư, ông Nguyễn Ký là Chủ tịch. Tỉnh mới tái lập nên rất nghèo, buổi đầu các đồng chí lãnh đạo tỉnh nôn nóng muốn cải thiện ngân sách để có đồng ra đồng vào, nên mở hết cơ chế cho đồng chí Minh hoạt động.
GETRADIMEX của ông Minh về danh nghĩa là Doanh nghiệp Nhà nước, nhưng không có vốn Nhà nước, ông Minh phải tự bỏ vốn ra kinh doanh, lo lương bổng cho anh em và tổ chức điều hành, phát triển thị trường… Trường hợp của ông Minh Nhớp là mẫu hình thay đổi thời đó: vừa năng động, vừa dám nghĩ vừa dám làm.
Buôn gỗ là một trong những ngành “mũi nhọn” của ông Trần Văn Minh. Ảnh minh họa
Nghệ Tĩnh hồi đó còn nhiều rừng, thông qua các đầu nậu, làm “cơ chế” với các trạm kiểm lâm, ông đã thu mua được không biết bao nhiêu gỗ nguyên khối. Điều ấn tượng nhất khi tôi đi qua cầu Bến Thuỷ thời đó là những bãi gỗ tròn mênh mông của ông Minh Nhớp.
Bên kia sông Lam, dân Hà Tĩnh vẫn gọi là Gia Lách, ven sông là bãi đất rộng mênh mông thường bị ngập lụt vào mùa mưa. Đó là nơi ông Minh tập kết gỗ như một trạm trung chuyển. Phần lớn gỗ được đưa từ Lào về, một phần được khai thác ở các huyện miền núi xứ Nghệ.
Gỗ xuất thô sang Nhật, qua cảng Cửa Lò, một vốn bốn năm lời. Có ngoại tệ, ông Minh nhập xe máy loại qua sử dụng, mua với giá đồng nát, bán với giá… kim cương. Lãi vô thiên lủng. Thời cuối 1980 đầu 1990, ai có con xe 81, máy cối, chạy từ đầu làng đến cuối làng, con gái “chết” không sót một mống nào. Thậm chí, có cô còn thầm mơ được làm vợ ba vợ tư của một thằng răng vẩu chỉ vì hắn sở hữu con xe mang nhãn hiệu Japan.
Với thị trường ấy, với trí thông minh ấy, với sự năng động ấy, Công ty GETRADIMEX của đồng chí Minh phất lên như diều gặp gió. Có tiền, ông xây trụ sở, sắm xe; có tiền, ông nhập máy móc, nhà xưởng, với tham vọng đưa công nghệ xe máy vào xoá đói giảm nghèo cho quê hương. Khi tôi có mặt ở đó, Hà Tĩnh đã là một trong số ít địa phương có dây chuyền lắp ráp xe gắn máy.
Cái gọi là dây chuyền này thực chất chỉ là hệ thống các nồi hơi nén với các ống dẫn, khi vặn các ecu không phải dùng cờ lê thủ công mà là dùng lực nén từ nồi hơi thông qua súng bắn bụp bụp. Hiện đại thế chứ. Lần đầu vào thăm xưởng của ông Minh, tôi mới thấy té ra, những con Dream láng cóng trị giá bằng cái biệt thự cũng phải đi qua cái dây chuyền này. Dream II được coi là ước mơ của triệu triệu con tim người dân khi đó.
Loại xe này mang nhãn Honda nhưng được sản xuất trên đất Thái. Với người Thái, xe đó thường dùng cho tầng lớp bình dân, thậm chí chỉ là xe chở hàng của mấy tay cửu vạn ; nhưng với xứ ta thì đó là một tài sản, phải mất nhiều năm tích góp mới có được. Trên đất Thái, giá xe xuất xưởng chỉ khoảng 900 USD, nhập qua Lào, đưa về Việt, giá bán gấp ba lần. Vấn đề cơ bản là ai được phép nhập khẩu và được nhập với số lượng bao nhiêu?
Những ẩn số như trên không nằm trong luật!
Trong hoàn cảnh gắt gao của Hải quan, đã hình thành một cách buôn không giống ai nhưng hiệu quả vô cùng: “buôn cơ chế”. Giờ đây, không phải ai cũng hiểu thấu đáo cách buôn ấy, bởi nó biến hoá khôn lường, thường xuyên thay đổi theo sự thay đổi của cơ chế, của các điều khoản các luật và văn bản dưới luật.
Có người ví von, nếu ở đại học kinh tế có đưa môn này vào giảng dạy, thì Minh Nhớp xứng đáng được phong danh hiệu Giáo sư!