Thị trường chứng khoán giảm mạnh từ đầu năm 2022 đến nay tác động xấu đến lợi nhuận công ty bảo hiểm bởi khoản đầu tư lớn vào chứng khoán.
Bức tranh lợi nhuận nhóm doanh nghiệp bảo hiểm quý II/2022 đã dần hé lộ. Chỉ một số ít cái tên báo lợi nhuận tăng trưởng, hầu hết đều ghi nhận sự thụt lùi ở chỉ tiêu này.
Doanh thu phí bảo hiểm tăng, lợi nhuận lại giảm mạnh
Theo báo cáo các công ty bảo hiểm, hầu hết đều ghi nhận chỉ tiêu lợi nhuận sụt giảm.
Tại Bảo hiểm Bảo Việt, công ty có quy mô lớn nhất ngành bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới 32% so với cùng kỳ 2021, chỉ mang về hơn 317 tỷ đồng. Quý I trước đó, lợi nhuận tại Bảo Việt cũng chỉ đi ngang, đến quý II lợi nhuận lại giảm. Do đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lãi trước thuế của Bảo Việt giảm 8% còn hơn 1.036 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt gần 828 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Điều tương tự diễn ra với các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại. Bảo hiểm PVI thu về 200,4 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 26,4% so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 188,7 tỷ đồng, giảm 28%.
Doanh nghiệp khác có lợi nhuận giảm 2 chữ số là Bảo hiểm Petrolimex. Theo đó, lợi nhuận ròng quý II/2022 của công ty giảm 30% so với cùng kỳ, chỉ ghi nhận gần 74 tỷ đồng.
Bảo hiểm BIDV cũng ghi nhận lợi nhuận quý II giảm gần 50%, từ mức 98,7 tỷ đồng xuống còn gần 50 tỷ đồng. Bảo Hiểm Quân đội cũng ghi nhận lợi nhuận quý II cũng chỉ còn 17 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước.
Có một công ty bảo hiểm báo lỗ quý II vừa rồi là Bảo hiểm Bảo Long. Doanh nghiệp này lỗ gần 52 tỷ đồng trong khi quý trước vẫn có lãi 21 tỷ đồng.
Vẫn có 2 công ty bảo hiểm cho tới thời điểm hiện tại ghi nhận lợi nhuận tăng là Bảo hiểm Bảo Minh và Bảo hiểm Hàng không. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Bảo Minh tăng 4%, từ mức 66,1 tỷ đồng lên 68,8 tỷ đồng. Bảo hiểm hàng không quý II năm trước lãi vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng, hiện đã tăng lên 17 tỷ đồng.
Thực tế, doanh thu phí bảo hiểm của các công ty này trong đều ghi nhận tăng trưởng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng của các doanh nghiệp bảo hiểm đều báo số dương. Với doanh nghiệp quy mô lớn như Bảo Việt, doanh thu phí bảo hiểm là 20.819 tỷ đồng, tương ứng tăng 6% so với nửa đầu năm 2021. Bảo Hiểm Quân đội dù lợi nhuận giảm 78% song doanh thu lại tăng tới 21% lên 2.063 tỷ đồng. Bảo hiểm BIDV cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số, từ 1.420 tỷ đồng lên 1.669 tỷ đồng.
Vì đâu nên nỗi?
Vậy nguyên nhân nào khiến doanh thu và lợi nhuận của các công ty bảo hiểm trong quý II tỉ lệ nghịch với nhau? Bảo hiểm Bảo việt cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 68% thực hiện cùng kỳ năm trước do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán nửa đầu năm nay.
Trước đây, hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán vốn mang về khoản lợi nhuận lớn cho Bảo Việt nhưng kỳ này bỗng bốc hơi đến 74% so với cùng kỳ, chỉ thu về hơn 54 tỷ đồng. Vì vậy, doanh thu hoạt động tài chính chỉ tăng nhẹ 3% lên hơn 2.423 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi tăng 10% lên hơn 1.308 tỷ đồng. đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu tăng 23% lên hơn 859 tỷ đồng và lãi chênh lệch tỷ giá tăng tới 34% thu về gần 4.305 tỷ đồng.
Giá gốc danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh (cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết, trái phiếu, chứng chỉ quỹ) tại thời điểm cuối quý II là 2.954 tỷ đồng, song giá trị thuần giảm xuống còn hơn 2.700 tỷ đồng. Công ty dự phòng lỗ lên tới 245 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, chỉ tiêu này chỉ 46 tỷ đồng.
Tại Bảo hiểm Bảo Việt, tỉ lệ cổ phiếu đang niêm yết chiếm 76,9% danh mục đầu tư chứng khoán.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp còn lại. Bảo hiểm Bảo Minh ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) trong quý 2 giảm 39% xuống gần 122 tỷ đồng.
Đồng thời, lỗ tài sản tài chính FVTPL tăng gấp 8 lần lên 276.6 tỷ đồng. Trừ đi chi phí tự doanh, mảng này của công ty ghi lỗ 160 tỷ đồng. Bảo hiểm Bảo Long, Bảo hiểm Petrolimex… đều ghi nhận giá trị thuần kinh doanh chứng khoán giảm 2 chữ số so với giá gốc. Các công ty bảo hiểm dự phòng lỗ hàng chục tỷ đồng.
Trước đó, trong báo cáo ngành bảo hiểm, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đã cho rằng kết quả lợi nhuận quý II năm nay của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ kém khả quan do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi.
Thực tế, ngoại trừ Công ty cổ phần Bảo hiểm Nông nghiệp, tất cả doanh nghiệp bảo hiểm đều đầu tư cổ phiếu. Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng từ 2% đến 9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10% đến 46% lợi nhuận đầu tư của các công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, VN-Index sau 6 tháng đầu năm đã giảm 21,4%. SSI dự báo các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.
Lợi nhuận vẫn sẽ tăng trưởng
Dù vậy, theo đánh giá của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), tăng trưởng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 vẫn tăng, song chỉ từ 10-14%, thấp hơn so với mức tăng 24,98% năm 2021.
Nguyên nhân do thực tế xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét từ 2 năm trở lại đây. Ngoài ra, các khoản chi phí bồi thường bảo hiểm, chi phí bán hàng cũng tăng mạnh…
Vietnam Report vẫn cho rằng những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn lớn.
Nguyên nhân được chỉ ra là thị trường bảo hiểm Việt Nam có tỉ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) và phí bảo hiểm bình quân (chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người) ở mức thấp. Tỉ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện dao động ở mức 2,3% đến 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển. Số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10 triệu người. Tỉ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng lên 15% vào năm 2025.
Thu nhập bình quân đầu người tăng cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm. Theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 của Chính phủ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được kỳ vọng đạt 3.900 USD trong năm 2022, mục đạt 5.000 USD vào năm 2025 và đạt hơn 12.000 USD năm 2045.
Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu vàng với quy mô ngày càng tăng, tỷ lệ dân số thành thị được dự báo tăng trưởng từ mức 37% ở hiện tại lên mức 45%. Theo ước tính của World Bank, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng từ 13% lên 26% vào năm 2026. Ngành bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỷ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng (bancassurance).
Bên cạnh đó, khung pháp lý tiếp tục được nới rộng. Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, với nhiều nội dung thay đổi, được Vietnam Report kỳ vọng mang đến làn gió mới cho thị trường bảo hiểm.
Trần Thu Thảo
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chung-khoan-lao-doc-loi-nhuan-doanh-nghiep-bao-hiem-cung-giam-theo-a564424.html