Trước bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó, các chuyên gia sốt ruột cho rằng cần sớm đưa ra những giải pháp hạ nhiệt chi phí logistics giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực.
Giảm phí logistics hợp lý để “mở đường” hàng xuất khẩu
Theo Đại Đoàn Kết, trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp không ít khó khăn nhưng chi phí logistic của Việt Nam vẫn ở mức cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành rào cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới bởi chi phí cao kéo giá thành sản phẩm đi lên.
Cụ thể, Tập đoàn AEON – nhà bán lẻ lớn đầu tư vào Việt Nam là đơn vị tích cực đưa nông sản Việt vào hệ thống siêu thị tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết, xoài Việt Nam chất lượng tương đương xoài Thái Lan, Philippines nhưng khi đưa vào thị trường Nhật Bản giá bán đắt hơn gần 20% nên lượng tiêu thụ không cao. Một trong những nguyên nhân khiến loại trái cây này bị đội giá là chi phí logistics Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines.
Tronng khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhấn mạnh, hiện chi phí logistics của hàng dệt may Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong nước so với các nước trong khu vực Đông Nam Á dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp. Theo ông Giang, chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành rào cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới.
Trường thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) Trần Đức Nghĩa thông tin: Hiện chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8 – 17% giá trị hàng hóa, thậm chí có những mặt hàng doanh nghiệp phải chi trả tới 20-25%. Ví dụ, một container gỗ trị giá 20.000 – 30.000 USD nhưng trong đó chi phí logistics chiếm tới 20-30% (4.000 – 9.000 USD), điều này đã bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho thấy, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,5%, Malaysia 13% và Thái Lan là 15,5%. Hiện 90% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo VLA, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics, và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Điều đó dẫn đến ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”.
Dù vậy, trước bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó, các chuyên gia sốt ruột cho rằng cần sớm đưa ra những giải pháp hạ nhiệt chi phí logistics giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Bài toán” cần nâng chất lượng logistics
Thông tin trên Kinh tế & Đô thị, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng về xây dựng hệ thống logistics.
Liên quan đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ logistics khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, trung tâm dịch vụ logistics bởi đầu tư lĩnh vực này cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao. “Phải có cơ chế chính sách, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, đặc biệt xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế” – ông Hiệp đề xuất.
Việt Nam cần có chính sách để thu hút FDI vào ngành logistics. Các cơ quan quản lý cần nới lỏng tỷ lệ vốn đầu tư vào logistics trên vốn đầu tư nước ngoài để không kìm hãm nguồn vốn FDI vào ngành logistics Việt Nam.
Dưới góc độ doanh nghiệp Chủ tịch Công ty CP Giao nhận Vận tải Con Ong Đinh Hữu Thạnh hiến kế, Chính phủ sớm cho thử nghiệm hình thức kinh doanh đại lý của các doanh nghiệp logistics, qua đó tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
“Để logistics phát triển và cạnh tranh với các nước, cần phải tạo sự liên kết giữa các yếu tố trong chuỗi cung ứng như hải quan, kho cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu,…qua đó giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Đồng thời, cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử”-ông Thạch nêu rõ.
Trước đó, tại Diễn đàn Logistics khu vực châu Âu – châu Mỹ do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Sam Mo cũng kiến nghị, Việt Nam nên hình thành hệ thống EDI (hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử).Cụ thể, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất để giúp doanh nghiệp tiếp nhận thông tin nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. “Chính phủ tiêu chuẩn hoá dịch vụ hạ tầng logistics bằng việc áp dụng giá cước chuẩn hoá, thống nhất hệ thống thu phí, giúp nâng cao lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp”, ông Mo hiến kế.
Ngoài ra, để giảm chi phí không đáng có khi xuất khẩu hàng Việt ra thế giới đòi hỏi cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics. Doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan chức năng trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch phải chú ý sự kết nối hạ tầng giao thông với các trung tâm logistics để có quy hoạch toàn diện trong phát triển lĩnh vực này.
Việt Nam tăng hạng trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu
Mới đây, tại buổi họp báo giới thiệu “Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2023-VILOG 2023” ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.
Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
“Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu”, ông Trần Thanh Hải cho hay.
Tuy nhiên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, như: Chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể.
4 tháng năm 2023: Việt Nam xuất siêu 6,35 tỷ USD Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục xuất siêu khoảng 1,51 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 4 tháng đầu năm 2023 là 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD). |
Trúc Chi (t/h)