Sau khi Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (gọi tắt là Dự án nâng cấp Quốc lộ 19) hoàn thành vào năm 2023, đây được coi là “đường băng” để tỉnh Gia Lai và Kon Tum cất cánh. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, không ít người dân sinh sống hai bên tuyến đường này phàn nàn vì bất tiện.
Ngày 25/3, chúng tôi đã có mặt trên tuyến Quốc lộ 19 (đoạn qua xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai). Tại đây, cống thoát nước đang thi công cao hơn mặt đường khá nhiều khiến nhà dân lọt thỏm xuống thấp nên mỗi lần di chuyển ra vào nhà rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Không những thế, nhiều người dân sinh sống dọc hai bên đường Quốc lộ 19 tỏ ra bức xúc vì công trình thi công cầm chừng, đứt đoạn khiến việc đi lại khó khăn, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nhiều.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thái Học (70 tuôỉ) trú ở thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Gia đình ai thì tôi không biết, còn gia đình tôi thực sự cảm thấy khó khăn, vất vả kể từ khi khởi công nâng cấp con đường trước mặt nhà mình. Vì nắp cống thoát nước đang làm cao hơn nền đường cũ khá nhiều nên sắp tới có lẽ tôi phải làm lại nhà. Tôi thì đã lớn tuổi rồi, lương hưu, trợ cấp không đủ tiền để xây nhà mới. Làm đường kiểu này, vừa tốn tiền Nhà nước vừa tốn tiền người dân”.
Cách nhà ông Nguyễn Thái Học vài căn, chúng tôi ghé vào nhà anh Lê Văn Thành (sinh năm 1972). Tại đây, người đàn ông nói giọng xứ Quảng bức xúc cho biết: Đoạn đường này không bị ngập lụt, độ dốc cũng không quá lớn nhưng không hiểu vì sao họ lại nâng nền đường mới cao hơn nhiều so với đường cũ. Mặt khác, đoạn đường này vốn đã cong, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, nhưng chẳng hiểu sao khi nâng cấp họ không nắn lại cho thẳng hơn chút mà càng cong thêm thì phải?”.
“Đã thế, đường làm khá chậm, mùa nắng thì bụi bay mù mịt khiến sinh hoạt của người dân rất bất tiện. Vài cơn mưa vừa qua, đường biến thành sông suối vì hệ thống cống thoát nước hai bên xây cao, nền đường cũ thì thấp…”, anh Thành nói thêm.
Một kỹ sư công tác trong ngành Giao thông – Vận tải lâu năm (không tiện nêu tên) nói: “Theo kinh nghiệm của tôi, việc nâng cao nền đường chỉ khi đoạn đường đó thấp, thường xuyên bị ngập lụt, hoặc là nâng cao nền để cải tạo độ dốc của đoạn đường nào đó. Nhưng việc làm này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vì vừa tốn kém tiền ngân sách, cùng với đó cuộc sống sinh hoạt của người dân dọc hai bên đường bị ảnh hưởng khá nặng nề. Bởi vậy, cần phải tìm được tiếng nói đồng thuận giữa cơ quan chức năng và người dân ở khu vực này trước khi tiến hành triển khai thi công”.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 dài khoảng 143km, đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (khoảng hơn 3.600 tỷ đồng). Sau khi dự án Quốc lộ 19 hoàn thành đầu tư nâng cấp, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m được thảm bê tông nhựa 2 lớp và hệ thống an toàn giao thông, đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 80km/h. Thời gian thi công dự án dự kiến trong 24 tháng, hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2023. |
Minh Vỹ
Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/du-an-nang-cap-quoc-lo-19-duong-cao-nha-thap-nguoi-dan-noi-kho-560971348-p38481.html