F88 đặt mục tiêu 200 cửa hàng cầm đồ tại TP. HCM.
“Chúng tôi dự kiến sẽ mở 200 cửa hàng F88 ở Sài Gòn trong thời gian tới”, ông Phùng Anh Tuấn – CEO F88 cho biết.
Cuối tháng 10/2018, F88 đã chính thức lấn sân vào thị trường cầm đồ Sài Gòn với quyết tâm chiếm lĩnh thị trường này cả về số lượng lẫn chất lượng bằng việc mở 2 cửa hàng đầu tiên tại quận Tân Phú và quận Tân Bình.
Đại diện Công ty F88 ông Phùng Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT cho biết: “Với thị trường TP. HCM, chúng tôi tự tin sẽ mang tới một dịch vụ cầm đồ hoàn toàn mới – dịch vụ cầm đồ thân thiện, cho vay có trách nhiệm tới người tiêu dùng Sài Gòn. Chúng tôi dự kiến sẽ mở 200 cửa hàng F88 ở Sài Gòn trong thời gian tới”.
Về F88, công ty được thành lập năm 2013 và có thể coi là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng mô hình hệ thống cầm đồ toàn quốc.
F88 hiện đang cung cấp các dịch vụ cho vay thế chấp đa dạng các loại tài sản như: ô tô, xe máy, điện thoại, laptop… vay bằng đăng ký ô tô, đăng ký xe máy.
Thông tin mới nhất từ F88 cho biết năm 2017, F88 đạt tổng giá trị giải ngân gần 600 tỷ đồng; tổng số hợp đồng giải ngân trong năm 2017 đạt 50.000 hợp đồng. Công ty đã phát triển 45 cửa hàng cầm đồ ở 6 thành phố lớn phía Bắc. Như vậy, với mục tiêu mở 300 cửa hàng đến năm 2020 thì F88 đã thực hiện được 15%.
F88 cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành công ty số một về cầm đồ tại Việt Nam về thị phần, độ phủ, thương hiệu và niêm yết thành công trên sàn chứng khoán.
Về mặt kinh doanh, F88 giống như một công ty tài chính, có thẩm định, phê duyệt, quản lí các khoản vay… Nhưng về mặt hoạt động, F88 lại giống với kinh doanh bán lẻ, đối tượng khách hàng là tức thời.
Tại F88, mỗi khoản vay cầm cố trung bình là khoảng 10 triệu đồng, thời hạn vay dưới 1 tháng, với tổng chi phí vay là 3,6- 4,5%/tháng bao gồm cả lãi suất vay, chi phí kho bãi, bảo hiểm, thẩm định khoản vay…
“Tham khảo nhiều mô hình ở nước ngoài, chúng tôi nhận ra, dịch vụ cầm đồ nói chung có 2 hoạt động chính là cầm cố và thanh lí. Bước đầu, F88 hoàn thiện được hoạt động cầm cố, còn thanh lí là bước sau. Nhưng để cầm cố được, mấu chốt là phải thẩm định được tài sản. Nếu thẩm định cao – sát giá tài sản, khách hàng dễ có tâm lí muốn bỏ đồ, về lâu về dài F88 không có khách hàng trung thành. Nhưng nếu định giá thấp, cho vay ít, khách hàng sẽ tìm tới các đơn vị khác.
Do vậy, F88 đã chọn ra mức “hài hòa”, là cho vay tối đa 80% giá trị tài sản cầm cố. Ở mức này, khách muốn bỏ đồ cũng sẽ tiếc 20% giá trị còn lại. Trong khi đó, F88 giảm rủi ro, chi phí, nếu khách không tất toán, vì đã có 20% giá trị tài sản kia làm tin”, ông Phùng Anh Tuấn, CEO F88 từng chia sẻ với báo giới.
Trước đó, vào đầu năm 2017, Công ty quản lý Quỹ Mekong Capital thông báo Quỹ thành viên Mekong Enterprise Fund III (MEF III) đã hoàn thành gói đầu tư vào F88.
Mặc dù Mekong Capital không đề cập số vốn đầu tư cụ thể, nhưng kể từ khi ra mắt vào tháng 5/2015 đến nay, MEF III thường tập trung vào các khoản từ 6 -15 triệu USD cho các danh mục đầu tư thiểu số hoặc đầu tư nắm quyền kiểm soát. Phía F88 cũng xác nhận Mekong Capital đã đầu tư “hàng triệu USD” vào F88.
Các khoản đầu tư của Mekong Capital thường có quy mô vừa và kéo dài trong vòng 10 năm vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng nhanh của Việt Nam, nhất là tiêu dùng. Việc Mekong Capital lại chọn F88 thuộc lĩnh vực cầm đồ được cho là khoản đầu tư “kỳ lạ”.
Theo Bảo Duy/Vietnamfinance