Theo Bộ Xây dựng, giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến hiện tại, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM.
Số liệu báo cáo về tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Xây dựng ghi nhận nhiều phản ứng tích cực với nhiều tín hiệu khả quan.
Theo đó, mức độ quan tâm, tìm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao; lượng giao dịch loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng (quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ 2023).
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực, thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán.
“Việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà đã gia tăng niềm tin khách hàng, thanh khoản”, báo cáo nêu rõ.
Các số liệu về thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy, về nguồn cung nhà ở thương mại có 18 dự án hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở có 32 dự án hoàn thành, 16 dự án được cấp phép mới và 519 dự án đang triển khai, nhà ở xã hội có 8 dự án hoàn thành.
Về giá giao dịch, giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến hiện tại, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM.
Loại hình nhà ở riêng lẻ và đất nền giá giao dịch cũng có xu hướng tăng, nguyên nhân được cho là do giá chung cư tăng, nguồn hàng khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh.
Bộ Xây dựng đánh giá, chung cư tăng cao và nguồn hàng khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh. Về lượng giao dịch, có khoảng trên 253.000 giao dịch thành công, bằng 110,26% so với 6 tháng cuối năm 2023. Lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.
Về tín dụng bất động sản ghi nhận theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến ngày 28/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Với kênh trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng doanh nghiệp phát hành quý I/2024 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn. Năm 2024 ước tính sẽ có khoảng 279.219 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương chiếm 41,4% trên tổng số.
Về nguồn vốn FDI, tính đến ngày 20/6/2024 lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút được số vốn đăng ký của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,89 tỷ USD, đứng vị trí thứ hai trong tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Xây dựng, dù thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Bộ cũng đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
Thường xuyên theo sát diễn biến thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.