Giá thép trong nước tăng mạnh lần 3 liên tiếp với mức tăng cao nhất tới 880.000 đồng/tấn. Tổng mức tăng của giá thép sau 3 lần là hơn 2 triệu đồng/tấn.
Bật tăng trở lại
Nhiều doanh nghiệp thép lại thông báo tăng giá sản phẩm thép xây dựng từ ngày 13/9, với mức tăng cao nhất đến 880.000 đồng/tấn.
Trong đó, theo SteelOnline.vn, thương hiệu Thép Việt Nhật có sự điều chỉnh giá mạnh nhất đợt này với mức tăng lần lượt 880.000 đồng/tấn và 470.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, hai loại thép này của thép Việt Nhật có giá lần lượt là 15,02 triệu đồng/tấn và 15,22 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu Thép Hòa Phát cũng điều chỉnh tăng 400.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 tại khu vực miền Bắc, giá bán lên mức 15,22 triệu đồng/tấn. Còn thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức giá 15,43 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu Thép miền Nam cũng điều chỉnh tăng lần lượt 410.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán tăng lên là 15,43 triệu đồng/tấn và 15,83 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu Thép Việt Ý tăng lần lượt 400.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240 và tăng 110.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, kéo giá bán lên mức 15,12 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức cũng thực hiện tăng 400.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và tăng 200.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá bán lên mức 15,12 triệu đồng/tấn và 15,63 triệu đồng/tấn.
Đối với Thép Kyoei, hai loại thép là CB240 và D10 CB300 cũng được tăng lần lượt 480.000 đồng/tấn và 130.000 đồng/tấn, kéo giá bán tăng lên 15,12 triệu đồng/tấn và 15,38 triệu đồng/tấn.
Hai loại thép CB240 và D10 CB300 của Thép Thái Nguyên cũng được điều chỉnh tăng 580.000 đồng/tấn và 490.000 đồng/tấn, giá bán lần lượt là 15,2 triệu đồng/tấn và 15,66 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu Thép Pomina cũng tiến hành tăng giá với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Trung với mức tăng lần lượt là 300.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn, giá bán là 15,63 triệu đồng/tấn và 16,34 triệu đồng/tấn. Tại khu vực miền Nam, hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của Thép Pomina cũng được tăng giá lần lượt là 410.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn, kéo giá bán lên 15,63 triệu đồng/tấn và 16,14 triệu đồng/tấn.
Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 3 liên tiếp của giá thép trong nước kể từ ngày 31/8, với tổng mức tăng khoảng hơn 2 triệu đồng/tấn. Trước đó, giá thép trong nước đã trải qua 15 lần giảm giá liên tiếp kể từ 11/5 với mức giảm giá cao nhất lên tới gần 6 triệu đồng/tấn. Hiện giá thép trong nước dao động quanh mốc 15 triệu đồng/tấn tùy loại thép và thương hiệu.
Trên thị trường quốc tế, giá thép cũng có xu hướng tăng. Giá thép thế giới giao tháng 1/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải hôm nay (14/9) tiếp tục tăng so với phiên trước, ở mức 3.795 Nhân dân tệ/tấn.
Về tình hình nhập siêu thép, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, nhập khẩu thép giảm 13,6% so với tháng trước, ở mức 785.000 tấn; xuất khẩu thép giảm 16,3% xuống 513.000 tấn. Việt Nam tiếp tục nhập siêu 272.000 tấn sắt thép trong tháng 8.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu hơn 2,2 triệu tấn sắt thép. Trong khi cùng kỳ năm trước, Việt Nam xuất siêu gần 330.000 tấn thép.
Kỳ vọng thị trường Trung Quốc
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng giá thép có thể hồi phục trong nửa cuối 2023 sau khi giảm về mặt bằng giá thấp hơn hiện tại, nguyên nhân đến từ việc các chính sách kích thích cần thời gian để thể hiện rõ tác động giúp vực dậy nhu cầu đang rất yếu của thị trường Trung Quốc.
Đồng quan điểm, theo CNBC, các công ty khai thác toàn cầu tự tin sự kích thích của Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu thép và quặng sắt. Cụ thể, những nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất của Trung Quốc lạc quan về kế hoạch của Bắc Kinh đưa ra các chính sách và biện pháp kích thích để thúc đẩy ngành thép khi đất nước này phải đối mặt với những khó khăn kinh tế và ngành bất động sản đang gặp khó khăn.
Chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra nhiều chính sách kích thích bao gồm thêm 300 tỷ Nhân dân tệ (44 tỷ USD) hạn ngạch cho chi tiêu và đầu tư cơ sở hạ tầng của các ngân hàng – cao hơn mức 300 tỷ Nhân dân tệ đã được công bố vào cuối tháng 6.
Trong khi có những bất ổn xung quanh sức mạnh của nhu cầu và sản xuất thép ở Trung Quốc, các công ty khai thác như Tập đoàn Fortescue Metals của Australia cho biết, đến nay không có dấu hiệu nhu cầu giảm do tồn kho quặng sắt ở các cảng Trung Quốc ở mức thấp.
“Thị trường có tính chu kỳ, nó thường được xác định bởi triển vọng sản xuất thép ở Trung Quốc… và chúng tôi đã thấy Trung Quốc vào năm ngoái, chỉ sản xuất hơn một tỷ tấn thép thô. Chúng tôi nghĩ rằng, Trung Quốc có thể đang trên đà sản xuất một lượng thép thô tương tự trong năm dương lịch này”, Giám đốc điều hành của Fortescue, Elizabeth Gaines nói.
Năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 1,033 tỷ tấn thép thô, mức giảm trong năm đầu tiên kể từ năm 2016. Sản lượng thép quốc gia trong 7 tháng đầu năm nay giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong dự báo của mình vào cuối năm ngoái, Viện nghiên cứu và quy hoạch ngành luyện kim Trung Quốc cho biết, họ dự kiến sản lượng năm 2022 của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 1,017 tỷ tấn – giảm gần 1,5% so với năm trước.
Bất chấp nhu cầu về thép ở Trung Quốc không ổn định trong năm nay do các đợt đóng cửa của Covid-19, nguồn cung quặng sắt của Fortescue đã đạt mức kỷ lục 189 triệu tấn trong năm tài chính 2021/2022, cho phép công ty đạt mức thu nhập cao thứ hai với kỷ lục 17 tỷ USD cho cùng kỳ, kết quả tài chính cho thấy.
Khoảng 88% doanh số bán quặng sắt của Fortescue là cho Trung Quốc. Tuy nhiên, thu nhập của công ty đã giảm xuống mức 22 tỷ USD của năm ngoái do giá quặng sắt giảm, do phản ứng với điều kiện kinh tế đang suy yếu ở Trung Quốc trong năm nay.
Người phát ngôn của Fortescue nói rằng, trong khi có những bất ổn về sản xuất thép của Trung Quốc, công ty tin rằng Bắc Kinh “tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chính sách liên tục của chính phủ và nới lỏng hơn nữa các chính sách Zero – Covid” sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu thép và do đó, sản xuất. Các nhà cung cấp quặng sắt chính khác cũng tích cực về lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc.
Giám đốc điều hành BHP Anh – Úc Mike Henry cho biết, trong khi công bố kết quả hàng năm của BHP hai tuần trước rằng ông kỳ vọng Trung Quốc sẽ là “nguồn ổn định cho nhu cầu hàng hóa trong năm tới, với sự hỗ trợ chính sách đang dần được giữ vững”.
Ông cho biết, ngay cả trong các đợt ngừng hoạt động lớn trong quý II của năm, tỷ lệ sử dụng lò của Trung Quốc – hay hoạt động của nhà máy thép – vẫn có khả năng phục hồi.
“Vì vậy, chúng tôi tin và tiếp tục tin rằng khi Trung Quốc thoát khỏi tình trạng bị khóa, vì có thêm một chút kích thích được cung cấp và tất cả các thiết lập chính sách mà chúng tôi thấy ở Trung Quốc hiện tại đều phù hợp với điều đó. Bao gồm các cuộc họp gần đây và những gì diễn ra trong số đó, chúng ta sẽ thấy nền kinh tế Trung Quốc có một bước tiến mới”, ông Henry nói.
Hương Anh
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-thep-hoi-phuc-tang-lan-thu-3-lien-tiep-a569587.html