Home Kinh tế vĩ mô Giải ngân vốn đầu tư công: Những nút thắt “kinh niên” vẫn...

Giải ngân vốn đầu tư công: Những nút thắt “kinh niên” vẫn chưa được giải quyết dứt điểm

0

Cần sớm ban hành quy định nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công. Đồng thời cần sửa đổi nhiều quy định tại các luật liên quan đến đầu tư công như: Luật Đất đai; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Xây dựng; Luật Khoáng sản… bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Ước 6 tháng mới giải ngân vốn đầu tư công 27,75% kế hoạch

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc quý II/2022, nhưng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm mới đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (trên 29%).

Trong đó, vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%); vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).

Báo cáo chung từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau khi 6 tổ công tác của Chính phủ có cuộc họp với một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022) cho thấy, về cơ bản, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thành lập tổ công tác trong từng cơ quan, đơn vị để rà soát khó khăn, vướng mắc các dự án đang triển khai trong năm 2022.

Ở các địa phương, chủ tịch UBND tỉnh đã phân công các phó chủ tịch tỉnh theo dõi các dự án lớn, trọng điểm của địa phương để thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai dự án; chủ động thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng nêu khá chi tiết các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết vẫn là những vướng mắc đã được phát hiện từ nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm; chưa có kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, từng bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực (đầu tư công, đất đai, xây dựng…) trong việc giải quyết, xử lý vướng mắc cho từng dự án cũng như chưa có giải pháp căn cơ để thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ giải ngân.

Vốn vẫn chờ dự án đủ thủ tục

Cụ thể, nút thắt lớn đối với việc triển khai các dự án đầu tư công vẫn đang là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành…

Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư (quyết định đầu tư các dự án) hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Bên cạnh đó, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân vì bị vướng về quy hoạch, địa điểm, phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án.

Ngoài ra, năng lực của ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn làm công tác đầu tư tại các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn yếu kém…

Ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao, chưa chủ động, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công, dễ thỏa hiệp khi phê duyệt các dự án chưa đạt yêu cầu về pháp lý, hiệu quả.

Tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu

Năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng. Việc đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội các dự án đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài.

Vì vậy, để giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.

Đồng thời, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án được giao quản lý đang triển khai nhưng bị dừng lại do vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết quả xử lý (bao gồm các kiến nghị nếu có).

Ngoài ra, chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu quả nguồn đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Tổ chức tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện.

Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi

Để công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cũng như các năm về sau đạt tỷ lệ cao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành quy định nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công.

Trong đó xây dựng chế tài xử lý đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch được giao theo đúng thời gian quy định tại Luật Đầu tư công, Luật NSNN (trước ngày 31/12 năm kế hoạch), trả lại kế hoạch trong năm để khắc phục tình trạng lập kế hoạch không sát với khả năng thực hiện.

Xây dựng và ban hành quy định về các hành động trước được phép thực hiện đối với dự án đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư (bố trí kinh phí nghiên cứu, trong trường hợp dự án không khả thi thì được phép hạch toán chi phí hợp lệ), công tác giải phóng mặt bằng (coi là dự án độc lập, được thực hiện đầy đủ, toàn bộ các hoạt động ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt).

Sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các Luật liên quan đến đầu tư công như: Luật Đất đai (thống kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, giá đất, giá đền bù, thu hồi); Luật NSNN (nhiệm vụ chi cấp nào do cấp đó đảm nhiệm); Luật Xây dựng; Luật Khoáng sản… bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực thực thi công vụ, chuyên môn nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng, NSNN của cán bộ công chức các cấp; gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc, bình xét thi đua người đứng đầu (chủ dự án, chủ đầu tư) với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án.

Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý của ban quản lý dư án các cấp; ban hành chính sách luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-nhung-nut-that-kinh-nien-van-chua-duoc-giai-quyet-dut-diem-119220624070406577.htm