Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Giải pháp cho dịch vụ hàng không giá rẻ và du lịch...

Giải pháp cho dịch vụ hàng không giá rẻ và du lịch Việt Nam

0

Ở Việt Nam, các khái niệm “hãng vận tải giá thấp”, “hãng hàng không chi phí thấp”, “hãng hàng không giá rẻ”, “hãng hàng không không dịch vụ”, “dịch vụ hạn chế” hoặc mới đây nhất là “Hàng không thế hệ mới” được Việt hoá và sử dụng khá phổ biến để mô tả những hãng hàng không giá rẻ Low-Cost Airlines (LCA), bất chấp sự khác biệt rõ ràng về cấu trúc chi phí và việc cung cấp dịch vụ giữa một số hoặc tất cả những hãng hàng không đó. Thực ra, không phải tất cả các hãng hàng không “không dịch vụ” đều là các LCA, và ngược lại, không phải tất cả các LCA đều không cung cấp dịch vụ.

– Hãng hàng không giá rẻ thuần túy (Independent/Pure LCA): Đặc điểm lớn nhất của các LCA thuần túy là chúng hoạt động độc lập, duy trì mô hình chi phí thấp cổ điển trong đó chỉ sử dụng một hạng ghế hành khách với giá vé rất thấp.

– Hãng hàng không giá rẻ kết hợp (Hybrid LCA): Đây là những hãng có thể độc lập hoặc trực thuộc các hãng hàng không truyền thống. Đặc điểm của các LCA kết hợp là cung cấp một phần dịch vụ giống dịch vụ của các hãng hàng không truyền thống (bao gồm cả việc tiếp cận các trang thiết bị hạng thương gia và chương trình khách hàng thường xuyên), nhưng với chi phí và giá thấp. Trong một số trường hợp, những hãng này cung cấp sản phẩm kiểu hàng không chi phí thấp trong cấu trúc dịch vụ truyền thống.

– Hãng hàng không chi phí thấp do các hãng truyền thống thành lập (Subsidiaries of the established Airlines): Sự phát triển rầm rộ của các LCA ở những tuyến đường bay ngắn đã buộc các hãng hàng không truyền thống phải thành lập (có thể dưới hình thức liên doanh) các LCA trong nội địa và khu vực với thương hiệu độc lập. Đây một phần là chiến lược tự vệ, phần khác là chiến thuật để tận dụng những cơ hội thị trường đang tăng trưởng nhanh.

Tuy nhiên, không phải tất cả các LCA đều thành công. Việc các nhà phân tích, báo chí và dư luận thường chỉ tập trung nói đến các LCA thành công nhất, nổi bật

nhất đã phần nào bóp méo bức tranh về hàng không giá rẻ. Kể từ khi Hoa kỳ phi điều tiết ngành hàng không, khoảng 80-85% LCA đã bị phá sản, còn tại châu Âu 60% LCA cũng chịu chung số phận. Trong những năm qua, đã có nhiều LCA biến mất khỏi thị trường Hoa kỳ, Canada, EU và Úc, Pháp… trong đó phải kể đến những tên tuổi như Legend Airlines, Pro Air, Debonair… và mới gần đây nhất là XL Airways (Pháp), Aigle Azur (Đức), FlyBMI (Anh), Wow Air (Iceland)..Tại Việt Nam, hàng loạt hãng hàng không ra đời nhưng mau chóng phải đóng cửa như Indochina Airlines, Air Mekong, Trải Thiên Air và hiện nay là Pacific Airlines (PA) cũng đang hàng ngày cố gắng cất cánh trong nợ nần…

Can nhanh chong go bo cac rao can de som phuc hoi hoat dong du lich hinh anh 2
Du khách quốc tế sẽ sớm trở lại thăm quan các di sản Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Những hạn chế đang tồn tại

Năm 1999, thỏa thuận hợp tác du lịch-hàng không được ký kết giữa Tổng cục Du lịch và Cục Hàng không được xác lập. Thời gian đầu, hai bên đã thực hiện khá hiệu quả việc hợp tác nhưng sau đó thì “chững” lại. Đến năm 2009 (sau 10 năm) hai ngành mới bắt tay nhau thực hiện giảm giá vé trên các tuyến nội địa, quảng bá điểm đến Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm. Đây cũng được coi là “bước ngoặt” trong sự hợp tác. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vướng mắc trong mối quan hệ hợp tác giữa hai ngành vướng mắc về cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin. Có khá nhiều chương trình khuyến mại, quảng bá được tổ chức, nhưng hai ngành lại chưa thông tin đầy đủ cho nhau, dẫn đến sự phối hợp chưa mang lại hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp lữ hành phàn nàn là không nắm được thông tin về khả năng cung ứng của hàng không, thiếu thông tin về lịch bay cho những kế hoạch dài hạn, bay xa nên không dám chủ động chương trình dài hơi với khách. Việc quy định đặt chỗ trước 6 tháng, 1 năm trong các chuyến bay nội địa cho các tour quốc tế của Hàng không Việt Nam cũng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành.

Trong khi đó, các hãng hàng không cũng không có thông tin cụ thể về các chương trình khuyến mãi lớn thu hút khách từ các hãng lữ hành. Điều này đã dẫn đến sự thiếu phối hợp nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch thống nhất. Bất cập tiếp theo được thể hiện trong việc phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến chung. Hai ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch và khó khăn trong cơ chế giải ngân và đóng góp kinh phí. Tổng cục Du lịch là cơ quan nhà nước nên phải tuân

thủ quy định tài chính hiện hành; trong khi Hàng không Việt Nam là doanh nghiệp nên chủ động về tài chính. Do đó dẫn tới nhiều rắc rối về thanh, quyết toán các khoản chi phí khi tham gia các hội chợ. Trong việc tổ chức đoàn khảo sát, do có sự khác nhau về định mức ăn, ở, đi lại… cho khách mời nên hai bên không thể phối hợp đón đoàn khảo sát, báo chí, lữ hành.

Sản phẩm du lịch Việt Nam chưa đa dạng, đặc trưng nên lượng khách chưa nhiều, chưa thường xuyên, dẫn tới việc chưa hấp dẫn các hãng hàng không mở đường bay thẳng. Đó là lý do Việt Nam vẫn chỉ là điểm trung chuyển của các chuyến bay kéo dài. Ngành Hàng không thì cho rằng, nguyên nhân là do công tác tiếp thị của du lịch Việt Nam còn yếu. Hơn nữa, số lượng khách từ Việt Nam bay trên các chuyến bay của hàng không nước ngoài không lớn. Bên cạnh đó, để duy trì một đường bay thẳng, ngoài những khó khăn về vật chất, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật, thì vấn đề hàng đầu là lượng khách. Thực tế cho thấy, một số tuyến đường bay đã được mở nhưng do không đủ khách để duy trì nên đã phải đóng cửa hoặc tạm ngưng đường bay đó, Có khách thôi vẫn chưa đủ để duy trì tuyến đường bay thẳng đó, mà cần phải kết hợp với cả vận chuyển hàng hóa. Mặt khác, ngành du lịch cần tạo ra các sản phẩm du lịch thật tốt, thật hấp dẫn để khách du lịch quốc tế cũng như trong nước muốn quay trở lại nhiều lần đồng thơi nâng cao chất lượng dịch vụ tốt, giá cả hợp lý sẽ thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Lúc ấy, chính các hãng vận tải hàng không sẽ phải tự tìm đến các doanh nghiệp lữ hành, chứ không còn chuyện các hãng lữ hành chầu chực, cầu cạnh các hãng hàng không nữa…Ngành hàng không cần nhận thức đầy đủ hơn giá trị mà ngành du lịch đem lại cho xã hội nhất là các vấn đề về kinh tế xã hội.

Kien nghi giai phap khoi phuc cac duong bay quoc te thuong le hinh anh 2
Hành khách chúc mừng Vietnam Airlines mở đường bay thường lệ đến Mỹ. (Ảnh: TTXVN)

Các giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết ngành

Liên kết kinh doanh là một khách quan kinh tế xuất phát từ sự phát triển của sức sản xuất, mở rộng phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất sâu khiến cho nhiều doanh nghiệp, thậm chí một phân ngành chỉ sản xuất ra một số chi tiết nhất định của một số sản phẩm hoàn chỉnh. Do đó, liên kết kinh doanh là đặc trưng của nền kinh tế thị trường hiện đại trong điều kiện bùng nổ cách mạng khoa học, công nghệ. Du lịch là một ngành dịch vụ đặc thù, sản phẩm của nó tạo ra là sự phối hợp của nhiều sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất ra ở nhiều ngành khác nhau như

GTVT, y tế, thương mại, thông tin liên lạc, văn hóa, thể thao, ẩm thực, v.v. Do đó, liên kết kinh doanh là một chức năng quan trọng của quá trình tạo ra một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Với đặc thù đó, để xây dựng những giải pháp thúc đẩy tiến trình liên kết du lịch – hàng không cần phải xuất phát từ những căn cứ cơ bản sau:

 Thứ nhất, từ thực trạng phát triển của hai ngành du lịch và hàng không, nếu chưa phát triển hoặc phát triển ở mức còn có những nhân tố cản trở tiến trình liên kết thì cần phải có giải pháp thúc đẩy sự phát triển và nâng cao trình độ phát triển của từng ngành để tiến trình liên kết giữa chúng là một quá trình tự nhiên, thuận lợi và đem lại lợi ích cho các đối tác tham gia liên kết.

 Thứ hai, sự liên kết trong quá trình hình thành một sản phẩm du lịch là sự liên kết đa ngành, đòi hỏi phải có một thực thể kinh tế chu đáo và có người “trọng tắc” năng lực và công minh với một hệ thống chặt chẽ và thể chế đặc thù khả thi, có hiệu quả cao bảo đảm cho các quan hệ liên kết hình thành đối tác bền vững và phát triển.

Với hai căn cứ có tính đặc thù đó thì nhóm các giải pháp tác động thúc đẩy các quan hệ liên kết này phải là nhóm giải pháp mang tính vĩ mô và vi mô cùng tác động vào các chủ thể tham gia liên kết

 Các giải pháp khung khổ pháp lý về liên kết kinh tế du lịch – hàng không

Chúng ta cần tăng cường khung khổ pháp lý giúp tăng cường sức mạnh của hai chủ thể liên kết giữa hàng không và du lịch như sau:

Các hãng hàng không Việt Nam đều đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid – 19. Ảnh: VŨ PHONG 

 Đối với các hãng hàng không

– Xây dựng và hoàn thiện các chính sách theo hướng thuận lợi hóa theo thông lệ quốc tế các thủ tục đầu tư trong và ngoài nước về thuế, mua, bảo dưỡng sửa chữa máy bay; Áp dụng hệ thống pháp lý về khai thác, bảo dưỡng máy bay của JAA (Châu Âu) và FAA (Mỹ) để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hàng không, tạo ra sự tin tưởng, yên tâm cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng chủ đầu tư và người cho thuê các phương tiện vận tải, đặc biệt là các phương tiện vận tải có giá trị lớn như máy bay

– Hoàn thiện khung pháp lý chuẩn theo thông lệ quốc tế việc kiểm soát và điều tiết thị trường dịch vụ HK, trong đó có LCAS, bằng điều tiết cung – cầu, giá cước khối lượng vận chuyển, số lượng hành khách vừa bảo đảm được lợi ích của khách hàng (hành khách) vừa tạo điều kiện để các hãng HK, trong đó có các hãng LCA, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và phát triển ổn định, bền vững

– Chú trọng điểm các chính sách ưu đãi và khuyến khích để các hãng LCA tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không giá rẻ (Low Cost Airlines Services – LCAS) và xây dựng văn hóa công ty theo hướng chuyên nghiêp, hiện đại, lịch sự, văn minh

– Xây dựng một hệ thống chính sách tạo môi trường để các hãng LCA và các hãng HK truyền thống cạnh tranh công bằng và thủ tiêu các hiện tượng độc quyền về cung cấp các dịch vụ mặt đất và lưu không, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xăng dầu và các điều kiện mặt đất và lưu không thiết yếu để các hãng LCA hoạt động thuận lợi

– Xây dựng chính sách kiểm tra, giám sát năng lực hoạt động và khả năng khai thác kinh doanh của các hãng LCA tư nhân để kịp thời hỗ trợ giúp các hãng có thể trụ vững trong những điều kiện khó khăn của thị trường

– Hoàn thiện các chính sách và công tác triển khai thực thi việc kiểm soát chất lượng an ninh HK đến mọi hoạt động HK và trong các đơn vị kinh doanh và dịch vụ phục vụ cho hoạt động HK như cảng vụ, các đơn vị mặt đất và kinh doanh, hoàn thiện công tác báo cáo, điều tra, xử lý, phòng ngừa sự cố và tai nạn HK

– Đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh và vận chuyển các thủ tục phê duyệt lịch bay, đường bay theo mùa cho các hãng LCA trong và ngoài nước.

– Chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế các nguyên tắc phê duyệt, cho phép mở các đường bay từ quốc gia ASEAN và quốc tế đến khai thác thị trường HKVN và mở các đường bay từ VN đến các sân bay HK quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng HK, đặc biệt ưu đãi các hãng LCA thực hiện các chuyến bay thương mại

– Chuẩn hóa các bước và các quy tắc điều hành bay, lưu không, các hoạt động mặt đất theo thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng LCA nước ngoài khai thác thương mại tại thị trường VN

– Xây dựng và hoàn thiện luật cạnh tranh HK phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện cho các hãng LCA quốc tế cạnh tranh bình đẳng trên thị trường LCAS nước ta. Đặc biệt phải có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả các hãng HK dùng sức mạnh kinh tế, kỹ thuật để chiếm lĩnh phần lớn thị phần dịch vụ hàng không giá rẻ (Low Cost Airlines Services – LCAS) bóp chẹt các hãng LCA yếu hơn, đẩy chúng lâm vào trạng thái thua lỗ, phá sản

– Xây dựng và hoàn thiện các chính sách hấp dẫn thu hút FDI vào phát triển lĩnh vực LCA, tạo điều kiện cho loại hình LCA phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế, bảo đảm hội nhập thắng lợi vào thị trường dịch vụ hàng không giá rẻ (Low Cost Airlines Services – LCAS) thế giới.

Phát triển hàng không nội địa sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế. Ảnh: VNA

Đối với ngành du lịch

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “…ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp và du lịch”. Đây không chỉ là sự khích lệ to lớn đối với thành quả đạt được của ngành DU LỊCH những năm qua, mà còn khẳng định vai trò và vị trí du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, du lịch vẫn còn nhiều khiếm khuyết, hạn chế cần phải khắc phục. Do đó, phải tập trung nguồn lực phát triển, hoạch định quyết liệt các giải pháp khả thi nhằm chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng du lịch Việt Nam. Trong đó chú trọng tới các giải pháp phối hợp chặt chẽ giữa ngành du lịch với các địa phương, bộ, ngành liên quan tạo môi trường tự nhiên, xã hội an toàn cho du khách, bổ sung hoàn thiện môi trường pháp lý, kiện toàn bộ máy nhân sự, thanh tra giám sát để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Đặc biệt phát huy vai trò nhạc trưởng của Tổng cục Du lịch phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp ở các ngành liên quan tạo ra sản phẩm lữ hành du lịch hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước. Đối với lữ hành du lịch mà sản phẩm của nó tạo ra là kết quả liên kết của nhiều ngành như: GTVT (HK), khu nghỉ dưỡng của ngành y tế, khách sạn nhà hàng của ngành thương mại, khu vui chơi giải trí…thì liên doanh liên kết phải được chú trọng đặc biệt. Để bản thân lữ hành du lịch trở thành ngành chủ đạo trong liên doanh, liên kết thì nó phải phát triển đến một trình độ nhất định. Muốn vậy trước tiên cần phải có môi trường vĩ mô thuận lợi như tạo môi trường pháp lí thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch cạnh tranh, phát triển bền vững

– Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại du lịch và đầu tư, cung cấp thông tin định hướng thị trường, giảm chi phí đầu vào đối với hàng hóa dịch vụ mà nhà nước còn quản lý giá cả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.

– Tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương nhằm đơn giản hóa các thủ tục để tạo thuận lợi cho lữ hành du lịch phát triển.

– Chính sách miễn thị thực nhiều hơn cho công dân các nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

– Cần giảm thiểu hoặc bãi bỏ các giấy phép, thủ tục đối với khách du lịch khi tham quan các loại hình du lịch mới và mạo hiểm ở nước ta như loại hình du lịch ô tô, mô tô, leo núi, lặn biển, khinh khí cầu, đua thuyền buồm v.v..

Liên kết giữa hàng không và du lịch, đặc biệt liên kết giữa LCAS – du lịch trong thời đại bùng nổ của cách mạng khoa học công nghệ (KHCN) lần thứ 04 và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ giữa các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau là một khách quan bắt nguồn từ sự vận động và phát triển nội tại của chính bản thân hai ngành kinh tế mũi nhọn này. Vai trò và tác động to lớn của liên kết kinh tế này trong sự phát triển bền vững của các nền kinh tế đang phát triển, có điều kiện tự nhiện thuận lợi cho việc xây dựng ngành du lịch – ngành công nghiệp không khói như nước ta là vô cùng to lớn và các giải pháp đề xuất nhằm nhanh chóng phát triển liên kết du lịch cho việc phục hồi kinh tế Việt Nam./

TS. Phùng Thế Tám(Đại học Kinh Tế Luật) – TS. Nguyễn Hoàng Hiệp(Đại học Lincoln, Malaysia)

Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/giai-phap-cho-dich-vu-hang-khong-gia-re-va-du-lich-viet-nam-p38077.html