Home Tiêu điểm Giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án – Những vấn...

Giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án – Những vấn đề từ thực tiễn

0

Theo quy định tại Điều 319, Luật Thương mại năm 2005, thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 237 của Luật này (trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại trọng tài hoặc tòa án trong thời hạn 09 tháng, kể từ ngày giao hàng). Như vậy, trong thời hạn luật định trên, một trong các bên tranh chấp có quyền khởi kiện đến Tòa án để được giải quyết theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi hết thời hạn trên, việc khởi kiện tại Tòa án để giải quyết vụ việc sẽ không được Tòa án thụ lý với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện. Chính vì vậy, trước khi thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án đối với các tranh chấp thương mại, các bên tranh chấp cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề thời hiệu khởi kiện để tránh các rủi ro xảy ra.

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án

Ảnh minh họa.

Về thời hiệu khởi kiện

Theo quy định tại Điều 319, Luật Thương mại năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 237 của Luật này (trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn 09 tháng, kể từ ngày giao hàng).

Như vậy, trong thời hạn luật định trên, một trong các bên tranh chấp có quyền khởi kiện đến Tòa án để được giải quyết theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi hết thời hạn trên, việc khởi kiện tại Tòa án để giải quyết vụ việc sẽ không được Tòa án thụ lý với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện. Chính vì vậy, trước khi thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án đối với các tranh chấp thương mại, các bên tranh chấp cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề thời hiệu khởi kiện để tránh các rủi ro xảy ra.

Về việc nộp đơn khởi kiện

Điều 186, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện tuân theo quy định tại Điều 189, BLTTDS.

Hồ sơ khởi kiện tại Tòa án bao gồm: Đơn khởi kiện và những tài liệu, chứng cứ để bên khởi kiện chứng minh cho quyền khởi kiện và những yêu cầu mình đang đưa ra là có căn cứ và hợp pháp. Người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án hoặc theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án có trách nhiệm thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Tùy theo hình thức nộp đơn mà Tòa án có hình thức thông báo khác nhau theo luật định.

Về việc thụ lý vụ án

Khoản 3, Điều 191, BLTTDS về thủ tục nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định theo quy định pháp luật, trong đó có việc thụ lý vụ án.

Khoản 1, Điều 195, BLTTDS quy định sau khi nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 196, BLTTDS nêu rõ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho VKS cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

Như vậy, việc thụ lý vụ án sẽ do Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện quyết định sau khi đã xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện nộp, kết hợp với các quy định pháp luật liên quan và có thông báo cụ thể bằng văn bản cho các chủ thể có liên quan.

Về việc giao nộp chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ

Cùng với việc nộp đơn khởi kiện thì nguyên đơn phải cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và bị đơn nếu phản đối yêu cầu của nguyên đơn thì cũng phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối của mình; nếu không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì các bên phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó. Đặc biệt, việc các đương sự giao nộp chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ. Hơn nữa, việc giao nộp chứng cứ, tài liệu phải được thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định tại Điều 96, BLTTDS.

Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu như tài liệu, chứng cứ các đương sự không thể cung cấp được thì có thể yêu cầu Tòa án thu thập theo quy định của pháp luật và Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cũng có quyền yêu cầu đương sự nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và thực hiện một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ khi thấy cần thiết. Khi tài liệu, chứng cứ đã đầy đủ, Tòa án sẽ căn cứ vào đó để thực hiện các bước tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Về việc hòa giải đối với vụ án tranh chấp thương mại

Khoản 1, Điều 205, BLTTDS quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”.

Tương tự BLTTDS năm 2004, BLTTDS năm 2015 tiếp tục không liệt kê những vụ việc phải tiến hành hòa giải mà quy định theo phương pháp loại trừ. Theo đó, phạm vi hòa giải vụ án kinh doanh thương mại rất rộng, đó là những tranh chấp được quy định tại Điều 30, BLTTDS, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của BLTTDS hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Dựa vào phần trình bày của các bên, Tòa án tiến hành lập biên bản hòa giải xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu đương sự trình bày bổ sung những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất. Đặc biệt cần lưu ý, biên bản hòa giải phải có đầy đủ chữ ký của những người tham gia phiên họp.

Trường hợp các bên đương sự tìm được tiếng nói chung và thống nhất được phương pháp giải quyết vụ án kinh doanh thương mại trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, không vi phạm điều cấm của luật cũng như đạo đức xã hội thì khi đó, căn cứ Điều 213, BLTTDS, quyết định liên quan đến thỏa thuận giữa các đương sự sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trường hợp các bên đương sự không hòa giải được với nhau thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử để giải quyết theo quy định pháp luật.

Việc xét xử đối với vụ án tranh chấp thương mại

Theo điểm b, khoản 1, Điều 203 BLTTDS, đối với các vụ án kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 30, BLTTDS là những vụ án phát sinh từ các quan hệ rất nhạy cảm, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời. Vì vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án này là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với các vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Đồng thời, Điều 222, BLTTDS quy định phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Thành phần tham gia phiên tòa được quy định từ Điều 227 đến Điều 232, BLTTDS. Trong một số trường hợp thì có thể hoãn phiên tòa, nhưng thời hạn hoãn phiên tòa không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Những vấn đề từ thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án

Thứ nhất, điểm b, khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định: “Tòa kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”. Quy định này chưa cụ thể, rõ ràng nên thực tiễn việc vận dụng để xác định thẩm quyền của Tòa án có những quan điểm khác nhau dẫn đến việc chồng chéo thẩm quyền, thậm chí là tranh chấp về thẩm quyền.

Thứ hai, BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ các tranh chấp về kinh doanh thương mại phù hợp với Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp…, phân biệt giữa tranh chấp thương mại với tranh chấp dân sự. Tại khoản 5 Điều 30 BLTTDS năm 2015 quy định: “Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”. Quy định này đã mở rộng thẩm quyền của tòa kinh tế so với quy định tại BLTTDS năm 2004. Tuy nhiên, hiện nay trong thực tiễn xét xử vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.

Ví dụ: Trong vụ án công ty khởi kiện thành viên công ty, công ty đã chuyển cho ông B. một số tiền (ông B. là Giám đốc chi nhánh của công ty), sau đó phát sinh tranh chấp công ty yêu cầu ông B. phải trả lại cho ông số tiền trên. Hiện nay, vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền giải quyết.

Ý kiến nhất cho rằng, tranh chấp này là “tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, đòi tài sản”. Số tiền mà công ty chuyển cho ông B. là nhằm phục vụ hoạt động của công ty nói chung nên căn cứ vào khoản 4, Điều 30; điểm a, khoản 1, Điều 37 và điểm b, khoản 1, Điều 35, BLTTDS, tranh chấp này thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh.

Ý kiến thứ hai cho rằng, yêu cầu kiện của công ty liên quan đến hoạt động nội bộ của công ty nên không phải là “tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty” mà là “tranh chấp dân sự đòi tài sản” nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện.

Tác giả cho rằng quan điểm thứ nhất là phù hợp với quy định của pháp luật, căn cứ vào quy định tại khoản 4, Điều 30; điểm a, khoản 1, Điều 37 và điểm b, khoản 1, Điều 39, BLTTDS thì đây là tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh.

Thứ ba, liên quan đến thẩm quyền theo lãnh thổ, trên thực tế có vướng mắc phát sinh trong việc xác định thẩm quyền đối với tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty như sau: Khi công ty khởi kiện thành viên công ty thì sẽ khởi kiện tại Tòa án nơi thành viên công ty cư trú hay Tòa án nơi công ty đặt trụ sở vì bị đơn chính là thành viên công ty, tranh chấp phát sinh liên quan trong quá trình hoạt động của công ty theo điểm a, khoản 1, Điều 39, BLTTDS.

Một số kiến nghị liên quan

Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án sẽ góp phần bảo đảm cho các vụ án được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Để thực hiện được điều này, theo tác giả, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần:

(1) Căn cứ vào quy định tại khoản 4, Điều 30; điểm a, khoản 1, Điều 37 và điểm b, khoản 1, Điều 39, BLTTDS để ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc xác định một số quan hệ pháp luật tranh chấp đặc thù như giữa công ty với thành viên công ty liên quan đến hoạt động của công ty là tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh để tránh việc một số Tòa án lúng túng, vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền, quan hệ pháp luật tranh chấp.

(2) Căn cứ vào thực tế giải quyết vụ án và quyền lợi của các bên đương sự để ban hành văn bản hướng dẫn trong trường hợp xác định thẩm quyền đối với tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, khi công ty khởi kiện thành viên công ty thì sẽ khởi kiện tại Tòa án nơi thành viên công ty cư trú, như vậy sẽ phù hợp với thẩm quyền nơi cư trú của bị đơn.

(3) Căn cứ thực tế áp dụng pháp luật, sự phù hợp với thực tiễn cũng như lượng án của các tòa để có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn nữa đối với quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc chồng chéo, tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại được quy định tại điều luật này. 

Luật sư PHẠM VĂN THUẬNCông ty Luật TNHH Bảo Tín, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Link nguồn: https://lsvn.vn/giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai-tai-toa-an-nhung-van-de-tu-thuc-tien1661124998.html