Ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc ADB tại Việt Nam đã có chia sẻ về những lý do ADB đưa ra dự báo tăng trưởng 5,8% đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt
Tại toạ đàm Kinh tế Việt Nam vượt những “cơn gió ngược” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 5/10, ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công.
Trong 9 tháng vừa qua, đất nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật. Trong kết quả này, quý III GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả này đã bù cho kết quả các quý trước và 9 tháng đạt kết quả chung GDP 4,24%.
Giám đốc ADB tại Việt Nam cho biết, dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9/2023 cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận.
“Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là 6% hoàn toàn có thể đạt được”, ông Shantanu Chakraborty nói.
Việt Nam không phải nước duy nhất ADB hạ mức dự báo tăng trưởng. Trong khu vực Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế hầu như yếu hơn trên toàn khu vực.
Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Timor-Leste đều dự kiến sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn trong năm nay. Chỉ một vài nước có triển vọng sáng sủa hơn, bao gồm Brunei Darussalam, Indonesia và Thái Lan.
Theo đánh giá của đại diện ADB, Việt Nam rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây nhưng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế.
“Những “lỗ hổng”, thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế”, ông Shantanu Chakraborty nói và cho rằng, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Trả lời về việc vì sao ADB luôn đưa ra những dự báo rất lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh “Việt Nam là điểm sáng trong khu vực nhờ có những chính sách đúng đắn”.
Lý do đầu tiên được đưa ra là Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng tốt, ngành du lịch dịch vụ đang khôi phục. “Đây là lý do tại sao chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 5,8% là có thể đạt được”, đại diện ADB tại Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, nông nghiệp tăng trưởng 3,4% cũng là nền tảng tốt cho phát triển kinh tế chung. FDI ổn định trong 9 tháng vừa qua và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Shantanu Chakraborty, lạm phát đang được Việt Nam kiểm soát tốt, tiêu dùng trong nước thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong 3 tháng cuối năm. Thêm vào đó, nếu như thúc đẩy được giải ngân đầu tư công các hoạt động về sản xuất, chế tạo cũng sẽ là động thực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
“Chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều ngành khác của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đây là lý do mà ADB đưa ra dự báo tăng trưởng 5,8% đối với nền kinh tế Việt Nam”, Giám đốc ADB tại Việt Nam nói.
Chọn kịch bản tăng trưởng cao là hợp lý
Theo thông lệ, sau mỗi quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phải cập nhật lại kịch bản tăng trưởng gắn với kịch bản đã đề ra tại Nghị quyết 01 để phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 9 vừa qua, Bộ KH&ĐT đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng và Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6% cho năm 2023.
Chia sẻ tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu rõ “kịch bản đó không phải kịch bản dự báo, mà là kịch bản để điều hành”.
“Bộ KH&ĐT đã tham mưu, báo cáo Chính phủ 3 kịch bản tăng trưởng, trong đó kịch bản thấp là 5%, kịch bản giữa là 5,5%, kịch bản cao là 6%. Bất kỳ kịch bản nào đều cần sự nỗ lực, cố gắng lớn”, ông Phương nhấn mạnh và nói thêm, so với bình diện chung của khu vực và thế giới, kết quả của chúng ta khá tích cực nhưng không phải vì thế mà hài lòng và ngừng phấn đấu.
ĐBQH Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, bản chất kịch bản của Chính phủ điều hành để ra quyết sách, giải pháp, không phải là thực thi vai trò một tổ chức dự báo về tăng trưởng.
Ông Hiếu nói rằng, bản thân khi nhìn vào 3 kịch bản Bộ KH&ĐT đề ra và điều hành của Chính phủ từ những năm trước cho đến nay, ông đã có suy nghĩ ngay là Thủ tướng và Chính phủ sẽ chọn kịch bản cao.
“Với quyết tâm, hành động, mong muốn của Chính phủ trong suốt thời gian qua và nỗ lực ngày càng lớn, tôi cho rằng đây là lựa chọn hợp lý, cần thiết lúc này trong điều hành kinh tế từ nay đến cuối năm. Hàm ý là chúng ta phải nỗ lực cao hơn, cao nhất có thể”, ĐBQH Phan Đức Hiếu nhìn nhận.
Nguyễn Thu Huyền