Các nhà phân tích Hàn Quốc dự báo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) sẽ đạt 2% vào cuối năm nay.
Nhà kinh tế Park Jeong-woo của Công ty chứng khoán Nomura cho rằng: “BoK có thể thực hiện các động thái phủ đầu để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát bởi ổn định giá cả là nhiệm vụ ưu tiên mà Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol và Ủy ban chuyển tiếp của ông ấy theo đuổi”.
Nhà kinh tế học Park Sung-wook của Viện nghiên cứu Tài chính Hàn Quốc (KIF) dự báo lãi suất của BoK vào cuối năm ít nhất sẽ là 2%. Ông lưu ý rằng: “Do hoàn cảnh bên ngoài và thị trường tài chính thay đổi nhanh chóng, ban điều hành chính sách tiền tệ của BoK có thể tăng lãi suất cơ bản hơn 3 lần trong năm nay”.
Về phần mình, Yoon Yeo-sam, một nhà phân tích tại Công ty chứng khoán Meritz, cho rằng: “Các ngân hàng trung ương của Mỹ, châu Âu, Australia và các nền kinh tế lớn khác đang xem xét thắt chặt các chính sách tiền tệ. Theo đó, BoK có thể sẽ di chuyển song song với họ bằng cách tăng lãi suất bổ sung vào tháng Bảy và tháng Mười tới”.
Trước đó, BoK đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 1,5% (mức cao nhất kể từ tháng 7/2019), trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã và đang khiến giá dầu và các mặt hàng chính tăng cao hơn.
Theo bình luận của tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) ngày 15/4, quyết định tăng lãi suất cơ bản lần này của BoK được đưa ra do áp lực lạm phát gia tăng nhanh chóng, với giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ và Thống đốc được đề cử vẫn chưa chính thức nhậm chức.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra chiều ngày 14/4 vừa qua, Joo Sang-young, quyền Chủ tịch Hội đồng chính sách tiền tệ của BoK, đã nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đánh giá rằng áp lực lạm phát có thể kéo dài hơn dự kiến (do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và các tác động ảnh hưởng tương ứng) nên đã phải thực hiện các biện pháp đối phó bất chấp sự vắng mặt của Thống đốc”.
Việc tăng lãi suất của BoK được thực hiện ngay sau động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản lên 0,25-0,5% vào ngày 16/3 vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất cơ bản kể từ năm 2018 và là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất (có thể là thêm 50 điểm cơ bản) tại 6 cuộc họp ấn định lãi suất còn lại trong năm 2022, bao gồm một cuộc họp diễn ra vào tháng Năm tới.
Thống đốc BoK mới được đề cử Rhee Chang-yong cho rằng động thái này của Fed đã gây ra lo ngại rằng chênh lệch lãi suất giữa Hàn Quốc và Mỹ có thể bị đảo ngược trong những tháng tới, dẫn đến thất thoát dòng vốn nước ngoài và làm suy yếu hơn nữa đồng won của Hàn Quốc so với đồng USD.
Tuy nhiên, BoK dự báo giá tiêu dùng ở Hàn Quốc sẽ không tăng trong thời điểm hiện tại sau khi lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua đạt mức cao nhất 4% vào tháng Ba. Ông nói thêm: “Lạm phát có khả năng sẽ duy trì trên mức triển vọng dự kiến của BoK là 3,1% trong nửa đầu năm 2022”.
Cũng theo BoK, chỉ số giá nhập khẩu, được sử dụng để đo lường trước giá tiêu dùng, đã tăng 7,3% trong tháng Ba (so với tháng trước) do giá dầu và nguyên liệu thô toàn cầu tăng đột biến. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2008 khi chỉ số này được ghi nhận tăng 10,7%.
Trong bối cảnh đó, ông Joo Sang-young cho biết Hội đồng chính sách tiền tệ của BoK sẽ tính đến cả tăng trưởng và lạm phát một cách cân bằng đồng thời gợi ý về các đợt tăng lãi suất bổ sung trong thời gian tới. Ông nói: “Hội đồng quản trị sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ với trọng tâm là duy trì sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế và ổn định tăng trưởng giá tiêu dùng ở mức mục tiêu trong trung hạn, đồng thời chú ý đến ổn định tài chính”.
Theo đó, hội đồng sẽ đánh giá khi nào cần điều chỉnh (lãi suất) thêm đồng thời đánh giá kỹ lưỡng các diễn biến liên quan đến đại dịch Covid-19, nguy cơ tích tụ sự mất cân bằng tài chính, thay đổi chính sách tiền tệ ở các quốc gia lớn, rủi ro địa chính trị và xu hướng tăng trưởng/lạm phát.
Anh Nguyên
Link nguồn: https://bnews.vn/gioi-chuyen-gia-du-bao-lai-suat-co-ban-cua-bok-se-len-muc-2/240671.html