Giữa vòng xoáy dừng hay không dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê – mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, ước tính giá trị 5 tỷ USD, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận dù rất khiêm tốn.
Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) gửi lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây, năm 2018, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (Mỏ sắt Thạch Khê) ghi nhận doanh thu 30 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 449 triệu đồng.
Năm 2017, doanh thu của Mỏ sắt Thạch Khê đạt 22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1 triệu đồng.
Giá trị vốn góp của Nhà nước (thông qua TKV) vào Mỏ sắt Thạch Khê tại thời điểm 31/12/2018 là 1.122 tỷ đồng, tương đương 59,15% vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 2.400 tỷ đồng, tuy nhiên, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 1.790 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê là công ty thực hiện Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh.
Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư 14.517 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 4.355 tỷ đồng, vốn huy động là 10.162 tỷ đồng.
Giá trị khối lượng thực hiện dự án đến ngày 31/12/2018 là 1.722 tỷ đồng, trong đó, giá trị giải ngân đến ngày 31/12/2018 là 1.590 tỷ đồng.
Được biết năm 2007, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy thép trong nước, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Mỏ sắt này có trữ lượng hơn 500 triệu tấn, hàm lượng quặng giàu 60-62%, lớn nhất Đông Nam Á.
Theo đánh giá ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long – công ty tư nhân Việt Nam duy nhất tham gia khai thác Mỏ sắt Thạch Khê, giá trị mỏ sắt Thạch Khê ít nhất là 5 tỷ USD, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng.
“Tổng doanh thu cả đời dự án trong vòng 52 năm ước tính là 35 tỷ USD, đóng ngân sách 10 tỷ, nhà đầu tư vẫn lãi 2 tỷ USD. Khoáng sản Thăng Long với 12% thì sẽ lãi tầm 120 triệu USD”, ông Hùng phân tích.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hưng – Tổng Giám đốc Công ty Sắt Thạch Khê, thời gian qua, TKV và 5 cổ đông khác đã đổ một nguồn vốn khá lớn vào dự án này. Do đó, nếu dừng dự án, khoảng 2.000 tỷ đồng nguồn vốn đã đổ vào coi như mất trắng.
Bên cạnh đó, còn những hệ lụy khác như: Giảm nguồn thu ngân sách cho nhà nước, địa phương (trên 1.500 tỷ đồng/năm trong giai đoạn I, trên 2.800 tỷ đồng/năm trong giai đoạn II); ngoài ra Nhà nước còn phải bổ sung nguồn để xử lý những tồn tại về tài chính, an sinh xã hội, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư xây dựng dở dang…
Tuy vậy, theo đánh giá của các nhà khoa học, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây nhiều hệ lụy về địa chất và môi trường.
Theo đánh giá của Th.S Lưu Văn Thực (Viện Khoa học công nghệ mỏ – TKV) và PGS.TS Hồ Sĩ Giao (Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam), điều kiện địa chất thủy văn của mỏ sắt Thạch Khê rất phức tạp, gây khó khăn cho quá trình hoạt động khai thác. Đặc biệt nghiêm trọng là “mỏ có lưu lượng nước chảy vào lớn nhất ở Việt Nam, như là một dòng sông”.
Báo cáo thăm dò tỉ mỉ mỏ sắt Thạch Khê, Nghệ Tĩnh – Liên đoàn địa chất 4 thì nêu: Khu mỏ thuộc vùng có hoạt động động đất khá mạnh, đến cấp 8; cấu trúc địa tầng lớp dưới gồm đá quặng phức tạp, xen kẽ có thể hình thành các hang caster chứa nước. Nếu có hang caster, việc khai thác trong hồ chứa nước có độ sâu từ 100m – 550m sẽ tạo ra động đất kích thích hết sức nguy hiểm, mất an toàn.
Còn theo tính toán của Viện tháo khô mỏ VIOGEM – CHLB Nga, khi khai thác độ sâu -550m, rủi ro cao khi khai thác mỏ xuống sâu (nước mặt và nước biển ngấm vào mỏ) trong khi dự án thực hiện bằng công nghệ khai thác mỏ lộ thiên, nên đòi hỏi yêu cầu rất cao về giải pháp kỹ thuật và trình độ công nghệ.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, nếu dừng dự án tại thời điểm này sẽ cỏ ảnh hưởng nhất định đến định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; một số chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội không đạt kế hoạch đề ra; bản thân doanh nghiệp bị tổn thất khoản vốn lớn đã đầu tư vào dự án, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và gây khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó cũng có thể phát sinh một số hệ lụy liên quan đến việc xử lý số vốn đã đầu tư vào dự án của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc dừng dự án sẽ có nhiều mặt lợi như: tránh tất cả rủi ro không mong muốn trong suốt vòng đời dự án; môi trường sinh thái, môi trường sống dân cư vùng ảnh hưởng sẽ được hoàn trả nguyên trạng; tạo điều kiện để phát triển du lịch dịch vụ Khu du lịch Thạch Hải nói riêng và toàn bộ dải ven biển Hà Tĩnh nói chung.
“Cái được lớn nhất là về lâu dài, phát triển kinh tế – xã hội sẽ bền vững, tăng trưởng kinh tế sẽ đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển; sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy môi trường, thảm họa thiên tai…”, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Theo Thanh Long/Vietnam Finance