Nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô lớn nhất miền Bắc chính thức đi vào hoạt động từ hôm qua (13/10).
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 62 ha, thuộc địa bàn hai xã Phù Đổng và xã Trung Màu (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Hiện, giai đoạn một của dự án đã hoàn thành với công suất 150.000 m3 nước mỗi ngày đêm; giai đoạn 2 công suất đạt 300.000 m3 sẽ được xây lắp xong vào cuối năm 2019; giai đoạn 3 đến năm 2025, quy mô cấp nước của nhà máy sẽ đạt công suất từ 600.000 m3 đến 900.000 m3.
Nhà máy được thiết kế vận hành tự động hóa hoàn toàn: Nước thô từ sông Đuống được thu qua kênh dẫn nước hở với công suất lên đến 1,2 triệu m3 mỗi ngày đêm, dẫn về nhà máy xử lý hoặc hồ sơ lắng tùy theo chất lượng nước nguồn để tiết kiệm điện năng.
Tổng chiều dài tuyến ống truyền dẫn cấp một của nhà máy lên đến 76 km, đường kính ống lớn nhất 1.800 mm, hình thành một mạng lưới dẫn nước rộng khắp tới 168 xã phường của Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Giai đoạn 1A của dự án nhà máy đã hoàn thành mạng lưới hơn 63 km tuyến ống.
Hồ sơ lắng có dung tích 650.000 m3 sẽ lắng sơ bộ khi nguồn nước sông Đuống có lượng cặn cao hơn thông số thiết kế. Hồ cũng bao gồm chức năng dự trữ nước; nước sau lắng được bơm lên dây chuyền xử lý.
Cụm xử lý chính nước thô gồm ngăn tiếp nhận, bể trộn có sử dụng phèn nhôm và polyme có chức năng tạo bông cặn trợ lắng sau đó dẫn sang các bể phản ứng.
Trước đó, tại lễ khởi công Nhà máy nước mặt sông Đuống hồi tháng 3/2017, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân Thủ đô được sử dụng nước sạch đủ tiêu chuẩn.
“Trong quy hoạch, thành phố đã chỉ đạo để sử dụng nước mặt sông Đà, Sông Đuống, sông Hồng. Phấn đấu năm 2020 có khoảng 1,7 triệu m3 nước ngày đêm, trong đó cơ bản sử dụng nước mặt các con sông, giảm công suất và tiến tới chấm dứt sử dụng khai thác nước ngầm”, ông Hùng thông tin.
Theo Thanh Hải/Vietnamfinance