Che giấu thông tin về năng lực nhà thầu vừa trúng thầu, “ém”, không đăng tải công khai thông tin hàng chục gói thầu trước đó, thừa nhận cán bộ yếu kém năng lực… là những chuyện xảy ra tại Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng) thời gian qua.
BQL các dự án đầu tư xây dựng quận Dương Kinh- nơi xảy ra vụ việc lùm xùm về đấu thầu dự án được đặt trong trụ sở của UBND quận này
Nhà thầu “chân gỗ” tự loại mình?
Theo tìm hiểu của nhóm PV, gói thầu số 11 thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và chi phí hạng mục chung thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường liên quận từ phường Đa Phúc, quận Dương Kinh đến phường Đồng Hòa, quận Kiến An (TP. Hải Phòng) tổng trị giá 75 tỷ đồng. Chủ đầu tư của dự án này là Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng).
Mặc dù gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi, tuy nhiên chỉ có vẻn vẹn 3 nhà thầu địa phương nộp hồ sơ dự thầu, bao gồm: Công ty Cổ phần Tân Thế Huynh; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Thịnh Hưng và Công ty TNHH Trọng Hồng. Kết quả cuối cùng, Công ty TNHH Trọng Hồng trúng thầu.
Như vậy Công ty TNHH Trọng Hồng không cần “thi đấu” mà nghiễm nhiên trúng thầu khi hai đối thủ của mình đã tự loại chính họ. Bình luận về việc này, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng đây là tình huống rất nhạy cảm, có biểu hiện chủ động của các nhà thầu cùng tham gia đấu thầu. Đây là tình huống thường thấy ở các vụ việc thông thầu, “chân gỗ”, “quân xanh, quân đỏ” tương tự.
Cụ thể, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ dự thầu, hồ sơ của hai đơn vị cùng tham gia nộp hồ sơ dự thầu cùng Công ty TNHH Trọng Hồng đã bị đánh giá là “không hợp lệ”. Trong đó, Công ty Cổ phần Tân Thế Huynh không nộp bảo lãnh dự thầu. Đơn vị Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Thịnh Hưng có nộp bảo lãnh dự thầu bằng Séc nhưng phía ngân hàng xác nhận không chi bảo lãnh này.
“Thật khó tin khi chuẩn bị đi đấu thầu cho một dự án cả trăm tỷ mà doanh nghiệp lại “quên” nộp bảo lãnh dự thầu, điều này chẳng khác nào một đội bóng chuyên nghiệp chuẩn bị cho một trận đấu quan trọng nhưng khi bóng lăn thì cầu thủ quên không mang giày…”, vị chuyên gia đưa ra so sánh.
Nghi vấn về năng lực doanh nghiệp trúng thầu
Lý giải với nhóm PV về kết quả trúng thầu gói thầu số 11 nêu trên, ông Nguyễn Văn Tá – Giám đốc Bản quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Dương Kinh nói ông không hề biết tại sao hồ sơ các doanh nghiệp trượt thầu lại “không hợp lệ”.
“Họ (hai đơn vị trượt thầu- PV) có quên mang giày khi thi đấu hay không thì tôi cũng không biết tại sao nữa, đó là việc của doanh nghiệp, tôi chỉ biết là sau đó đơn vị tư vấn thông báo là công ty Trọng Hồng trúng thôi”, ông Tá bình thản trả lời khi chúng tôi đặt vấn đề về dấu hiệu “chân gỗ”, “quân xanh, quân đỏ” trong vụ đấu thầu gói thầu số 11.
Trả lời về nghi vấn năng lực của Công ty TNHH Trọng Hồng- đơn vị trúng thầu, ông Tá chỉ nói chung chung: “thì là đơn vị có năng lực đáp ứng yêu cầu theo hồ sơ đề xuất”. Vậy nhưng khi chúng tôi đề nghị được cung cấp hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, hồ sơ năng lực của công ty Trọng Hồng thì ông Tá lại tìm mọi cách để trốn tránh. Ông Tá chỉ hứa mông lung: “Có gì tôi sẽ cung cấp trong dịp tới”.
Liên quan tới yêu cầu về hợp đồng tương tự với gói thầu này cụ thể như thế nào, ông Tá tiếp tục viện lý do “không nhớ rõ”. Tuy nhiên theo nguồn tin xác tín của nhóm PV, dù trúng thầu thi công gói thầu 11 trị giá 75 tỷ đồng, vậy nhưng trong năm 2017, Công ty TNHH Trọng Hồng chỉ mới trúng một gói thầu thi công trị giá khoảng 10 tỷ đồng.
“Ém” hàng loạt thông tin
Câu chuyện “lùm xùm” ở Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Dương Kinh không chỉ dừng lại ở gói thầu 11 nêu trên mà còn mở rộng ra hàng loạt vấn đề khác.
Theo tìm hiểu của nhóm PV, năm 2018 Ban quản lý các đự án đầu tư xây dựng quận Dương Kinh được giao phụ trách 9 công trình với tổng số gần 30 gói thầu.
Trong số này Ban chỉ tiến hành công bố thông tin 11 gói thầu (9 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu tư vấn) theo hình thức đấu thầu rộng rãi.
Còn ngược lại, có tới 15-16 gói thầu khác đã bị BQL DA quận “ém” thông tin, không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của Luật đấu thầu.
Trước những thông tin, bằng chứng nhóm PV có được, ông Nguyễn Văn Tá đã buộc phải thừa nhận “có việc đó” trong buổi làm việc với nhóm PV.
Tại sao không công bố thông tin các gói thầu này?- nhóm phóng viên đặt vấn đề. Ông Tá lý giải vì đây là những gói thầu được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, trong đó chủ yếu là các gói thầu tư vấn trị giá chỉ mấy chục triệu đồng.
“Ý ông là do gói thầu nhỏ quá?”- chúng tôi tiếp tục hỏi. Ông Tá bối rối: “không phải thế. Mà cái này là do trình độ, năng lực của cán bộ còn hạn chế”.
“Vậy cán bộ nào chịu trách nhiệm? Việc xử lý cán bộ yếu kém như thế nào?”- nhóm PV tiếp tục “truy”. “Nhân viên yếu kém thì lãnh đạo xin nhận. Cái này mong anh em cũng thông cảm cho”, ông Tá ấp úng nói.
Có hay không việc “thông thầu” trong gói thầu này, có “lợi ích nhóm” trong đấu thầu các dự án khác ở quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng) hay không, Báo điện tử Thời báo chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Nhóm PV/Thời báo Chứng khoán