Tăng trưởng cao hai chữ số, lợi nhuận từ vài nghìn tỷ tới hơn chục nghìn tỷ đồng được các ngân hàng báo cáo thành tích tại Đại hội cổ đông năm 2022. Thế nhưng, nhiều ngân hàng khiến cổ đông buồn rầu khi trình kế hoạch không chia cổ tức trong năm 2022.
Chia sẻ với bức xúc của cổ đông vì nhịn cổ tức nhiều năm, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, ngân hàng cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng. Đến cuối năm 2021, lũy kế lợi nhuận hợp nhất giữ còn gần 9.000 tỷ đồng, gần bằng 50% vốn điều lệ của Sacombank. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông. Từ năm 2019 tới nay Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận để chia cổ tức cho cổ đông nhưng vẫn phải chờ sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước do ngân hàng đang trong quá trình thực hiện đề án.
“Dự kiến, đến năm 2022 hoặc đầu năm 2023, ngân hàng có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược”, ông Dương Công Minh chia sẻ.
Không chỉ buồn về cổ tức 0 đồng, mà cổ đông, nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu STB của Sacombank còn thiệt hại kép do giá cổ phiếu này đã giảm tới 30% so với hồi tháng 2/2022.
Đáng buồn nhất có lẽ là cổ đông của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) khi nhiều năm qua ngân hàng làm ăn bết bát do những tranh chấp nội bộ căng thẳng chưa thể hóa giải. Eximbank đã tổ chức Đại hội cổ đông thất bại nhiều năm liên tục, không thông qua được các kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận, dĩ nhiên không thể chia cổ tức cho cổ đông suốt 9 năm qua. Hơn nữa, ngân hàng vẫn đang khổ sở xử lý trái phiếu VAMC cũng như các khoản nợ xấu tồn đọng từ quá khứ.
Tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), cổ đông cũng bày tỏ bức xúc, thất vọng khi ngân hàng này chưa thực hiện đợt chia cổ tức nào trong gần 10 năm qua. Mặc dù rất nhiều lần ban giám đốc cam kết sẽ chia cổ tức nhưng đến thời điểm tổ chức hội nghị cổ đông lần này, vấn đề này vẫn không được đưa vào nghị quyết.
Kết thúc năm 2021, SCB công bố con số lợi nhuận trước thuế đạt 1.377 tỷ đồng và đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 15.231 tỷ đồng lên 20.020 tỷ đồng. Chất lượng nợ tại SCB trong năm 2021 cải thiện rõ rệt, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,11%. Trong khi đó, ngân hàng tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 180%. Kinh doanh khởi sắc là vậy, song SCB vẫn nói không với chia cổ tức cho cổ đông suốt 1 thập kỷ.
Ở nhóm ngân hàng nhỏ và vừa, tình trạng không chia cổ tức kéo dài nhiều năm cũng khá phổ biến do kết quả kinh doanh sa sút, nợ xấu lớn, phải trích lập dự phòng rủi ro cao, các chỉ số an toàn tài chính còn mong manh… đơn cử, PGBank tiếp tục không chia cổ tức năm thứ 10 liên tiếp, Saigonbank cũng không đề cập đến vấn đề chia cổ tức trong tờ trình Đại hội cổ đông năm 2022 và là năm thứ 5 liên tiếp không có cổ tức.
Chủ tịch HĐQT Saigonbank Vũ Quang Lãm cho biết: “tình hình hoạt động của Saigonbank đã cải thiện trong những năm gần đây và năm nào chúng tôi cũng đề xuất chia cổ tức cho cổ đông, nhưng theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền thì phải giữ lại để tăng cường khả năng tài chính, vượt qua đại dịch”. Theo ông Lãm, năm 2021, Saigonbank vẫn chưa được chia cổ tức. Nhưng sau khi được Đại hội cổ đông ủy quyền, HĐQT tiếp tục làm việc với cấp thẩm quyền, báo cáo rõ tình hình tài chính lành mạnh của Saigonbank để được phép chia cổ tức.
Hải Hà
Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/hang-loat-ngan-hang-lai-nghin-ty-co-dong-cay-dang-co-tuc-0-dong-536768706-p39412.html