Từ chỗ xa lạ giờ đây các hình thức thanh toán không tiền mặt đang trở thành thói quen với nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn.
Chuyển tiền, “quét mã” ngày càng phổ biến
Theo ghi nhận của báo Người Lao Động, hiện nay thanh toán không dùng tiền mặt đã rất phổ biến ở các siêu thị, cửa hàng, chợ, các điểm kinh doanh ăn uống, dịch vụ…
Chị Ngọc Ba, có sạp bán thịt heo ngay trước sân nhà ở ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tp.HCM, cho biết sau dịch Covid-19, nhiều khách hàng quen nếp sinh hoạt trước đó, không trực tiếp đi mua mà điện thoại đặt hàng rồi chuyển khoản thanh toán.
“Một số khác lại không có thói quen cầm tiền mặt nên cứ hỏi thanh toán chuyển khoản, quét QR Code nên để chiều lòng khách, tôi để sẵn mã QR của VNPay trên sạp cho những ai có nhu cầu”, chị Ngọc Ba cho biết.
Theo tính toán của chị, dù là ở vùng ngoại thành nhưng mỗi ngày, có khoảng 25%-30% khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Chị Hải, tiểu thương kinh doanh trái cây ở chợ Nhị Thiên Đường (quận 8, Tp.HCM), cũng đã nhận thanh toán bằng tiền mặt lẫn chuyển khoản, trả qua ví điện tử… từ hơn 1 năm nay. “Có lần, một khách hàng nam mua 4 kg xoài cát Hòa Lộc, đến khi tính tiền thì không còn tiền mặt, tôi cho mua thiếu nhưng khách nhất định trả tiền bằng cách chuyển khoản hoặc không lấy hàng. Tôi không có tài khoản ngân hàng nên đành chịu thua. Sau khi bán hụt mớ xoài đó, tôi mở tài khoản ngân hàng, nhờ con chỉ cách xài internet banking và làm quen với thanh toán không tiền mặt”, chị Hải kể.
Buôn bán hơn 20 năm tại chợ Bến Thành, anh Nguyễn Thanh Hưng (cửa hàng Ngọc Hoa 1A và 2A tại cổng Nam) cũng chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, những năm gần đây rất nhiều khách hàng có nhu cầu thanh toán không tiền mặt. Do đó cửa hàng đã lắp máy POS cho khách cà thẻ. Việc được tặng mã QR để khách hàng đưa điện thoại lên quét mã và trả tiền không chỉ giúp giao dịch được diễn ra nhanh chóng, mà còn hạn chế được nhiều rủi ro. “Bớt lo bị mất tiền bạc, tiền giả. Vậy tốt lắm rồi”, anh Hưng chia sẻ.
Không chỉ tại kênh phân phối truyền thống, thanh toán không dùng tiền mặt ở kênh phân phối hiện đại hiện nay cũng phát triển hơn trước rất nhiều. Tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt chiếm tới 42% giao dịch trên toàn hệ thống WinMart/WinMart+. Các hình thức thanh toán phổ biến gồm quẹt thẻ VISA, thẻ ATM, scan QR Code qua mobile app của các ngân hàng, thanh toán Tpay của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và thanh toán qua ví VinID. Tại hệ thống MM Mega Market, có hơn 10% khách hàng chọn thanh toán không tiền mặt.
Còn tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra… của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), tỉ lệ này cũng đã tăng mạnh, đạt gần 10%. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart, cho biết Saigon Co.op đang đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng, ví điện tử, app… triển khai các chương trình khuyến mãi và tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng tham gia thanh toán trực tuyến. “Thanh toán không tiền mặt càng phát triển, doanh nghiệp bán lẻ càng được lợi bởi thời gian thanh toán nhanh, đỡ mất công kiểm đếm tiền, giảm sai sót, đỡ phải đổi tiền lẻ để thối cho khách…”, ông Thắng nêu.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã triển khai giải pháp nâng tầm thanh toán không tiền mặt. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ngoài thanh toán qua mã VietQR, MB cũng đã sớm triển khai thanh toán qua Google Pay. “Chỉ mất 10 giây cho một giao dịch”, là chia sẻ của đại diện MB khi nói về thanh toán qua Google Pay. Khách hàng chỉ cần gắn thông tin thẻ MB Visa lên ứng dụng Google Pay và đưa điện thoại của mình đến gần thiết bị thanh toán không tiếp xúc, giao dịch sẽ hoàn tất trong giây lát. Đặc biệt, phương thức này có độ bảo mật rất cao.
Tại Techcombank, hiện hơn 90% giao dịch của khách hàng qua ngân hàng này được thực hiện qua kênh số, tỉ lệ gắn bó với ứng dụng đạt đến 88%. Khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý I/2023 của Techcombank tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 238,4 triệu lượt, với giá trị giao dịch đạt 2,1 triệu tỉ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, tính tới tháng 4-2023, tỉ lệ khách hàng tự mở tài khoản online toàn diện đã tăng 7 lần so với tháng đầu năm.
Theo các chuyên gia tài chính, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi hành vi thanh toán của người dùng khi hơn 74,6% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên kênh số; 3,71 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở hay chỉ một ví điện tử có tới 31 triệu người dùng.
Theo VTV, để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản số 3956/NHNN-TT.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các chương trình, chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đối với khách hàng, trong đó ưu tiên thực hiện miễn phí duy trì tài khoản, phí rút tiền mặt đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Đồng thời, tích cực hưởng ứng và chủ động triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt năm 2023 thông qua các chương trình ưu đãi, chính sách khuyến mại phù hợp trong thời gian diễn ra sự kiện (trong tháng 6/2023 và đỉnh điểm vào Ngày không tiền mặt – 16/6 năm 2023).
Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi hợp lý; phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán (đơn vị cung ứng điện, nước, dịch vụ viễn thông, trang thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm,…) thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt như: Miễn giảm phí dịch vụ thanh toán; tặng quà, hoàn tiền, giảm giá hàng hóa dịch vụ, tặng điểm thưởng… cho khách hàng khi mở mới tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng… hoặc thực hiện thanh toán hóa đơn, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán thẻ, thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại di động, thanh toán qua mã QR, trích nợ tự động…).
Xem xét thực hiện ưu đãi phí chiết khấu cho các đơn vị chấp nhận thanh toán tham gia, đồng hành cùng với ngân hàng trong các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng trong thời gian diễn ra sự kiện.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ…. nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến mại hợp lý (giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, tích điểm thưởng, quay số…) cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ Ví điện tử có chính sách ưu đãi hợp lý (miễn, giảm phí, phiếu quà tặng….) cho khách hàng đăng ký, liên kết thành công tài khoản Ví điện tử với thẻ ghi nợ nội địa, tài khoản thanh toán.
NHNN đề nghị, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động xây dựng các chương trình, chính sách ưu đãi của đơn vị mình, quảng bá tới khách hàng và phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.
Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh ở dịch vụ ăn uống, mua sắm, làm đẹp Theo số liệu tổng hợp từ Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước và các đơn vị khác, hình thức thanh toán không tiền mặt đã tăng trưởng nhanh, mạnh, với nhiều hình thức phong phú ở cả khối tư nhân lẫn dịch vụ công. Thanh toán hóa đơn là lĩnh vực thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong đổi mới cơ cấu thanh toán. Theo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đến hết tháng 4/2023 đạt 85,11%, vượt 5,84% so với chỉ tiêu Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) giao năm 2023; doanh thu qua kênh thanh toán không tiền mặt đạt tỉ lệ 96,34%. Trong khi đó, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về thu tiền điện không dùng tiền mặt, trong năm 2022, tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đạt 98%, vượt kế hoạch của EVN giao 13%. Theo thống kê từ nền tảng Payoo, thanh toán hóa đơn có sự chuyển dịch từ thanh toán trực tiếp sang trực tuyến kể từ ngay sau dịch Covid-19, với tỉ lệ tăng đều theo từng năm, đến nay đã tăng gần gấp 3 lần so với trước dịch. Theo báo Lao Động, thanh toán không tiền mặt cho khối tư nhân tăng trưởng rõ rệt. Với lĩnh vực F&B, thanh toán không tiền mặt trong 6 tháng đầu 2023 tăng gấp đôi về số lượng và 25% về giá trị, so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, lĩnh vực siêu thị ghi nhận sự tăng trưởng 64% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kì. Một xu hướng rõ nét trong năm nay là sự quan tâm của người trẻ trong việc chăm sóc vẻ ngoài cũng như cải thiện sức khỏe bên trong. Các lĩnh vực thời trang, trang sức và phụ kiện đã tăng gấp 3 về số lượng và gấp đôi về giá trị, trong khi làm đẹp, mỹ phẩm tăng 1,5 lần về số lượng và 2 lần về giá trị. Người dân chú ý nhiều đến rèn luyện sức khỏe thông qua các hoạt động thể thao. 6 tháng đầu năm nay, hệ thống Payoo ghi nhận hơn 65.000 lượt đăng ký mua các gói tập, các loại BIB chạy và các hoạt động chạy xe đạp phong trào. Song song với khối tư nhân, khối dịch vụ công, học phí, viện phí cũng đạt những bước tiến lớn. Chẳng hạn với mảng học phí, so sánh giữa năm 2022 và 2023, giao dịch thu hộ học phí qua nền tảng trực tuyến tăng gấp 7 lần, trong đó qua kênh ngân hàng tăng hơn 8 lần. Giao dịch trực tiếp tại cửa hàng cũng tăng gần gấp 2,5 so với cùng kỳ năm ngoái. |
Minh Hoa (t/h)