Nằm trong top 10 quốc gia có tình trạng tắc đường phức tạp nhất thế giới, Indonesia mới đây cho biết tắc nghẽn giao thông trong nội đô và khu vực lân cận Jakarta đã gây tổn thất lên tới 65 nghìn tỷ rupiah (tương đương gần 4,7 tỷ USD) mỗi năm.
Trung bình mỗi người dân ở Jakarta dành 10 năm cuộc đời để tham gia giao thông.
Theo tính toán của Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas), thiệt hại này được xác định trên cơ sở thực trạng nạn ùn tắc giao thông ở các khu vực như Jabodetabek, Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi.
Hiện nay, hàng ngày thủ đô Jakarta có tới 9,9 triệu các loại xe ô tô, xe máy, xe tải và các phương tiện khác lưu thông trên đường phố, trong đó có gần 2 triệu phương tiện giao thông đến từ các thành phố lân cận ở Tây Java và Banten.
Lưu lượng xe quá lớn dẫn đến nạn ùn tắc giao thông khá nghiêm trọng, có khi phải mất từ 2-3 giờ để di chuyển quãng đường 40 km trong phạm vi các khu vực xung quanh thủ đô Jakarta.
Với tình trạng tắc nghẽn hiện tại, trung bình mỗi người dân ở Jakarta dành 10 năm cuộc đời để tham gia giao thông.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhận định đây là khoản thiệt hại lớn, nếu được phân bổ cho các dự án hạ tầng giao thông thì có thể tạo nguồn lực phát triển các phương thức vận tải thay thế trong nội đô và xung quanh Jakarta, nhất là hệ thống giao thông công cộng.
Ông Widodo cho rằng cần có một kế hoạch tổng thể cho toàn bộ cơ sở hạ tầng giao thông và các phương tiện công cộng. Đó là cần tránh sự xung đột, thiếu hài hòa đang diễn ra giữa các tuyến xe bus, các đường tàu điện (từ tàu điện ngầm, tàu điện nhẹ trong nội đô tới tàu chạy tuyến sân bay)…
Không chỉ ở Indonesia, tắc đường đang trở thành vấn nạn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bản báo cáo năm 2018, công ty Inrix tại Mỹ đã công bố số liệu phân tích tình hình giao thông nhiều khu vực và đưa ra một bảng danh sách những quốc gia, thành phố có tình trạng tắc đường nhất thế giới. Báo cáo này dựa trên dựa trên nghiên cứu tại 1360 thành phố trên khắp 38 quốc gia toàn thế giới.
Theo đó, Los Angeles đứng đầu danh sách đô thị tắc nghẽn nhất trong 6 năm liên tiếp. Trung bình trong năm 2017, các tài xế ở đây mất tới 102 giờ chờ tắc. Tiếp đó là Moscow, New York với 91 giờ, Sao Paulo (86 giờ) và San Francisco (79 giờ).
Trong số 38 quốc gia tham gia điều tra, Thái Lan dẫn đầu với số giờ trung bình bị kẹt xe cao nhất (56 giờ). Con số này cao hơn cả Indonesia (51 giờ) và Colombia (49 giờ), tiếp đó là Venezuela (42 giờ). Cả Mỹ và Nga đều ở mức 41 giờ. Trong số những quốc gia phát triển, có thể thấy, Mỹ và Nga đang là hai quốc gia có nạn kẹt xe nghiêm trọng nhất thế giới.
Theo Chu La/VietnamFinance