Home Bất động sản Khi nào mới có khung pháp lý cho bất động sản nghỉ...

Khi nào mới có khung pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng?

0

Theo GS. Đặng Hùng Võ, khung pháp lý để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng là rất cần thiết, bởi đây là phân khúc đang sở hữu tiềm năng rất lớn. 

BĐS nghỉ dưỡng cần một danh phận

Tại diễn đàn “Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thị trường bất động sản” sáng 13/9, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đã đặt ra những vấn đề khi nói về những điểm nghẽn chính sách cho bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay.

Ông Võ nhắc lại việc Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng khung pháp luật cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nhưng không ai làm. Ông nhấn mạnh, thời điểm này, sức nóng của loại hình bất động sản nghĩ dưỡng đang quay trở lại.

“Hiện, Luật Đất đai đang được sửa đổi, vậy đến khi nào có khung pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng?”, GS. Đặng Hùng Võ đặt vấn đề.

GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, khung chính sách để phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là rất cần thiết, bởi đây là phân khúc sở hữu tiềm năng rất lớn. Ông cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có tác động đề xuất, quản lý bất động sản nghỉ dưỡng.

Là một doanh nghiệp đầu tư loại hình bất động sản này, ông Vũ Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn VNGroup cho biết, trong 14 năm theo đuổi lĩnh vực này, công ty thấy rằng, các bộ luật điều chỉnh bất động sản nghỉ dưỡng nhiều lần nhưng vẫn chưa rõ ràng.

“Với những bất cập của bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi luôn muốn bất động sản nghỉ dưỡng một danh phận, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế cho bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Thành nói.

Ông Vũ Văn Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn VNGroup.

Vị Chủ tịch VNGroup cũng cho rằng, việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng luôn khó khăn hơn đầu tư bất động sản nhà ở đầu tư vùng ven, nội đô.

“Tháo gỡ cơ chế là để chúng ta khai thác lợi thế của bất động sản nghỉ dưỡng, bởi đây là lĩnh vực có tính thị trường và tiềm năng rất lớn, mang lại nhiều lợi ích như thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế địa phương”, ông Thành bày tỏ.

Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp

Theo ông Thành, đối với nhà đầu tư bất động sản nguồn vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu, riêng với bất động sản nghỉ dưỡng đòi hòi do tính đặc thù nên lại đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, tại Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Vì thế, nguồn vốn từ ngân hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp; là bộ khung nâng đỡ cho các dự án của doanh nghiệp. Đối với mỗi dự án nếu được cấp tín dụng xem như là bảo chứng cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho khách hàng.

Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn từ nhiều kênh khác, trong đó có nguồn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Tuy vậy, điều kiện huy động vốn từ các tổ chức này rất khó khắt khe do liên quan đến các thủ tục pháp luật… Cho nên, ngân hàng vẫn đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản trong vấn đề vốn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch không nên trông chờ tín dụng ngân hàng, vì rủi ro hơn phân khúc khác.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng nhìn nhận, hiện nhu cầu vốn là khó khăn chung và lĩnh vực bất động sản được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên các tổ chức tín dụng cũng thận trọng hơn trong giải ngân.

“Tuy nhiên, cũng cần phân định rõ hơn về rủi ro này, tức là chia rủi ro theo phân khúc bất động sản. Trong đó, bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp và bất động sản văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng… từ đó phân tích rủi ro của từng phân khúc”, ông nói.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch không nên trông chờ tín dụng ngân hàng, vì rủi ro hơn phân khúc khác, pháp lý lại chưa tốt.

Hơn nữa thông thường các nước khác, phân khúc này huy động vốn từ nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong và ngoài nước để họ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn từ tín dụng của chúng ta đang chặt chẽ hơn so với các năm trước

Lê Thanh Hồng

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khi-nao-moi-co-khung-phap-ly-cho-bat-dong-san-nghi-duong-a569388.html