Home Ấn tượng 24H Khu đô thị làng hoa Tiền Phong: “Ngủ lì” suốt 13 năm

Khu đô thị làng hoa Tiền Phong: “Ngủ lì” suốt 13 năm

0

Ngày 21/1, tại UBND huyện Mê Linh, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Lễ công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án Khu đô thị làng hoa Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tỷ lệ 1/500…

Mô hình dự án Khu nhà ở làng hoa Tiền Phong năm 2005

Khu đô thị Làng hoa Tiền Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) có diện tích 40 ha, được phê duyệt từ năm 2005 vừa được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định điều chỉnh quy hoạch. Dự án chậm 13 năm được Hà Nội điều chỉnh quy hoạch

Được biết, dự án khu nhà ở này (có phía Đông và Đông Bắc giáp Đầm Và; phía Tây giáp khu nhà ở Minh Đức, khu chung cư cao tầng, nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp và tuyến đường quy hoạch (mặt cắt rộng 48m); phía còn lại giáp với khu nhà ở Minh Giang – Đầm Và) được quy hoạch với quy mô dân số trên 3.700 người cùng tổng diện tích gần 40,4 ha.Quyết định điều chỉnh phê duyệt Khu nhà ở làng hoa Tiền Phong, thuộc xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, được Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyến Thế Hùng ký phê duyệt tại Quyết định số 6488/QĐ-UBND do những yêu cầu vè hạ tầng, quy hoạch kiến trúc chung.

Các công trình trong dự án có tầng cao tối đa là 5 tầng, mật độ xây dựng tối đa là 80%. Mạng lưới đường giao thông tuân thủ theo Quy hoạch của phân khu đô thị N1 đã được UBND thành phố phê duyệt.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc tổ chức xác nhận hồ sơ bản vẽ quy hoạch chi tiết và quy định quản lý đồ án Quy hoạch chi tiết phù hợp với Quyết định được UBND thành phố phê duyệt. Phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết điều chỉnh để các tổ chức, cá nhân và nhân dân được biết.

UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn cho chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư, quản lý đất đai và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo đúng quy định.

Dự án chậm 13 năm

Khu đô thị làng hoa Tiền Phong nằm cách trung tâm Hà Nội 15 km có với tổng vốn đầu tư hơn 920 tỷ đồng. Xây dựng theo quyết định số 2256/QĐ-UBND ngày 19/08/2005 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Dự kiến khởi công vào năm 2005 và hoàn thành vào năm 2013 bao gồm các hạng mục đồng bộ gồm nhà ở biệt thự, liền kề, chung cư… trường học, công viên tới nay vẫn chưa được thực hiện.. Công trình do Công ty Tiền Phong thuộc tập đoàn Prime Group làm chủ đầu tư.

Trước đó, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cho biết, nhiều xã như Tiền Phong, Đại Thịnh, Tráng Việt, Văn Khê… đã được quy hoạch thành khu đô thị nên có rất nhiều dự án, thậm chí dự án rất lớn. Tuy nhiên, có những dự án quyết định thu hồi đất từ năm 2008 không thấy triển khai hoặc triển khai chậm, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế nói chung của xã. “Còn 240 ha quỹ đất giải phóng mặt bằng dở dang phải làm tiếp của 18 dự án, nếu thúc đẩy lên được sẽ thu thêm được 2.400 tỷ đồng, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương”, lãnh đạo huyện cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khoảng năm 2005 – 2008, khi Mê Linh chính thức sáp nhập về Hà Nội, thị trường bất động sản nơi đây trở thành một trong những điểm nóng và giá nhà đất nhanh chóng được đẩy lên cao ngất. Vào thời điểm đó, giá đất các dự án tại Mê Linh từng gây sốt trên thị trường bất động sản phía Bắc Hà Nội với giá đạt ngưỡng từ 18 – 22 triệu đồng/m2 so với mức 2 – 3 triệu đồng/m2 trước đó.

Theo đó, rất nhiều chủ đầu tư đã tìm về Mê Linh để chọn lựa những mảnh “đất vàng”, vị trí đẹp, đắc địa để đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhưng sau đó gần như tất cả đều phải ngậm “trái đắng”.

Hiện tại, các dự án nhà tại khu vực các xã Tiền Phong, Mê Linh, Đại Thịnh, Thanh Lâm… thuộc huyện Mê Linh vẫn là khu đất trống, hoang vu, cỏ dại um tùm, những khu nhà xây thô dang dở lác đác bóng người. Điển hình, tại xã Tiền Phong, nơi được cho là tập trung nhiều dự án nhất của huyện Mê Linh, với gần 20 dự án nhà ở, khu đô thị.

Theo Hữu Dũng/Thời báo Chứng khoán