Các ĐBQH kỳ vọng, năm 2024 tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 6 – 6,5% mà Quốc hội đặt ra nếu biết cách khơi thông nội lực.
Tạo đà phát triển cho năm 2024
Với mức tăng trưởng 5,05% – kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới,nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta.
Bước sang năm 2024 – năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2024, trong đó quyết định mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 là 6 – 6,5%.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Hoàng Văn Cường- Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, năm 2024 tiếp tục là một năm khó khăn và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Các yếu tố ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023 như bất ổn chính trị ở nhiều nơi, chiến tranh, lạm phát,… chưa có dấu hiệu ngừng lại vào năm 2024. Thậm chí, các nghiên cứu chỉ ra rằng, xu hướng khó khăn có thể mở rộng hơn nữa.
“Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào sự tăng trưởng của thế giới đó là thị trường xuất khẩu, đây là một “nút thắt””, ông Cường nói và cho biết những tín hiệu có phần tiêu cực sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, nhìn từ đà tăng trưởng năm 2023, mức tăng trưởng 6 – 6,5% Quốc hội đặt ra năm 2024 không phải là không khả thi, nếu biết cách khơi thông nội lực.
Với 100 triệu dân, thị trường nội địa của Việt Nam không phải là nhỏ. Do đó, để tạo ra sự tăng trưởng, ông Cường cho rằng cần kích cầu thị trường nước, khai thác tốt nội lực để tránh phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác để đạt mức tăng trưởng 6 – 6,5%, đó là thúcđẩy đầu tư công.Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, việc đẩy mạnh vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cả phát triển một số mặt. Cụ thể, đầu tư công đúng mực sẽ giúp tạo ra công việc mới, giảm tỉ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động.
“Thêm vào đó, chúng ta đang ở giai đoạn khá thuận lợi, có nhiều cơ hội chuyển dịch đầu tư. Vì vậy, Việt Nam cần phải nỗ lực thực hiện những yếu tố “nằm trong tầm tay” này để đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng”, ông Cường nhấn mạnh.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
ĐBQH Trần Văn Lâm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đánh giá, năm 2024 triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế có nhiều điểm sáng.
Đối với chính sách thuộc chương trình phục hồi kinh tế, ông Lâm cho biết quá trình triển khai trong năm 2023 sẽ phát huy hiệu quả vào giai đoạn từ năm 2024 trở về sau. Cụ thể, cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp đã thực hiện năm 2022-2023, điều này sẽ giúp phục hồi năng lực. Đặc biệt, về lực lượng lao động, môi trường xã hội cho phục hồi kinh tế.
“Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đối với gói kích thích tập trung rất lớn vào đầu tư hạ tầng. Đây sẽ tạo ra lực cầu rất lớn cho nền kinh tế”, ông Lâm phân tích.
Theo ông Lâm, năm 2024 khả năng tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế sẽ tốt hơn. Triển vọng sẽ thực hiện được các mục tiêu kinh tế – xã hội như Nghị quyết Quốc hội đặt ra. Với 12 giải pháp Chính phủ đề ra trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội năm 2024, ông Lâm cho rằng những giải pháp này đã cơ bản toàn diện.
“Vấn đề quan trọng là thực thi, các chính sách giải pháp đặt ra như vậy nhưng quá trình tổ chức thiện ra sao? Tôi hy vọng, năm 2024 Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm để triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đã đưa ra. Đồng thời, các cấp, các ngành cần phải chủ động, quyết tâm mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để triển khai hiệu quả các biện pháp đã đề ra”, ĐBQH Trần Văn Lâm nói.
Cùng nhìn nhận, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng,năm qua nền kinh tế có những dấu hiệu tốt liên quan đến các chỉ số kinh tế, dấu hiệu phục hồi trên đà tăng trưởng. Do đó, triển vọng năm 2024 sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Việt Nam nằm trong nền kinh tế mở nên cũng chịu tác động rất lớn của các yếu tố quốc tế, yếu tố rủi ro của kinh tế toàn cầu, địa chính trị khu vực. Do đó, ông hy vọng với sự điều hành của Chính phủ, Nhà nước thì Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn, nắm bắt được cơ hội để tạo được đà phát triển trong giai đoạn 2024.
Khơi thông nguồn tiền, “cứu cánh” cho các doanh nghiệp
“Nếu muốn đạt chỉ tiêu 6-6,5% theo mục tiêu Nghị quyết đề ra, cần phải có giải pháp đột phá, khơi thông nguồn tiền, “cứu cánh” cho các doanh nghiệp. Bởi, nhiều doanh nghiệp hiện gặp khó trong nguồn lực. Bên cạnh điều hành linh hoạt thị trường tiền tệ, đó còn là các cơ chế chính sách phải giải quyết các điểm nghẽn… như vậy sẽ có được những sự bứt phá”, ĐBQH Nguyễn Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình).
Hoàng Thị Bích