Kết quả GDP 8,03% năm 2022 là con số ấn tượng, song để duy trì đà tăng trưởng này trong năm 2023 sẽ không dễ dàng khi nền kinh tế đang đối mặt loạt thách thức lớn.
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,03% – là mức cao nhất giai đoạn 2011-2022, vượt mục tiêu 6-6,5% do Quốc hội giao. Lạm phát đi ngược với lạm phát cao của toàn cầu, được kiểm soát ở mức thấp 3,15% – đạt mục tiêu Quốc hội giao dưới 4%.
Bước sang năm 2023, nền kinh tế Việt Nam, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định là sẽ đối mặt với loạt các thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn, biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự, hay dịch bệnh thiên tai khó dự báo trước.
“Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5% – thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02% và đây sẽ là mục tiêu đầy thách thức”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh khi trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT).
Áp lực lạm phát 2023
NĐT: Kết quả tăng trưởng GDP cả năm 2022 được nhận định là rất ấn tượng khi đạt 8,03% trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Vậy, đâu là nguyên nhân tạo nên dấu ấn của những thành công này trong năm 2022, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Có thể nói rằng, con số tăng trưởng 8,02% của năm 2022 là con số hết sức ấn tượng vì đây là con số ghi nhận cao nhất từ năm 2011 cho đến nay.
Để đạt được kết quả này, trước hết, năm 2022 là thời kỳ cao điểm khó khăn của dịch Covid-19 qua đi, người dân quay trở lại cuộc sống bình thường, ổn định trở lại, thói quen tiêu dùng của người dân cũng tích cực hơn rất nhiều.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt kết quả tăng trưởng cao do người dân đã tự chủ sản xuất. Nhờ đó, giúp đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững của đất nước, làm tốt vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an sinh, an dân khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động, kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Do đó, sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển với tốc độ cao. Cộng đồng doanh nghiệp luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh.
Trong lĩnh vực dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhất là nhu cầu đi lại, du lịch khi dịch được kiểm soát. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sớm triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để kích cầu du lịch.
Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Mặc dù 2 năm qua dịch bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng chính cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã góp phần bù đắp sự suy giảm và đẩy nhanh phục hồi kinh tế, nhất là xuất khẩu…
NĐT: Thưa bà, từ quý III/2022 tình hình đơn hàng đã sản xuất xuất khẩu đã suy giảm. Vấn đề này được Tổng cục Thống kê nhìn nhận như thế nào và nó sẽ là thách thức như thế nào trong năm 2023?
Bà Nguyễn Thị Hương: Bên cạnh cầu sụt giảm của thế giới, thì chi phí nguyên vật liệu trong năm 2022 tăng cao đã làm cho hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu cũng bị hạn chế. Và chính sự sụt giảm từ đơn hàng ở nước ngoài đã làm cho công nghiệp chế biến, chế tạo giảm của năm qua cũng giảm thấp nhất trong vòng từ năm 2012.
Đây cũng là một trong những cảnh báo về việc mà chúng ta cần phải tăng cường nội lực trong sản xuất cũng như khai thác nguyên liệu tại chỗ, gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước cũng như là xuất khẩu.
Và một trong những điểm thách thức trong sản xuất, hoạt động kinh tế năm 2023 chính là giá nguyên vật liệu đầu vào đang ở mức rất là cao và làm cho giá của hàng hóa sản xuất ra sẽ ở mức cao, điều này sẽ đẩy chỉ số tiêu dùng (CPI) sẽ lên cao trong năm 2023. Bên cạnh đó, những chính sách về tỉ giá, lãi suất cũng cần phải rất là linh hoạt trong cái bối cảnh biến động khó lường của nền kinh tế thế giới.
NĐT: Từ 8/1/2023, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới, gỡ bỏ tất cả biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Điều này đem lại cơ hội như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Hương: Trung Quốc là thị trường truyền thống của Việt Nam. Khi thị trường này mở cửa trở lại thì chính là cơ hội cho chúng ta để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch giữa hai nước.
Đặc biệt là phần dịch vụ du lịch, người dân Trung Quốc cũng sẽ tham gia quay trở lại thị trường du lịch của Việt Nam, đây cũng là động lực để chúng ta bù đắp vào hoạt động du lịch trước sự giảm cầu của khu vực trong năm qua.
Ổn định kinh tế vĩ mô
NĐT: Điểm sáng của nền kinh tế năm qua chính là kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD và số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tiếp tục tăng cao. Vậy, giải pháp nào cho năm 2023 để đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam, thưa Tổng Cục trưởng?
Bà Nguyễn Thị Hương: Để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam trong năm 2023, theo tôi, doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất, quy trình phương thức quản trị doanh nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội từ tham gia FTA về cắt giảm thuế quan, đáp ứng quy tắc xuất xứ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các thị trường nhập khẩu.
Cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách, giải pháp cho các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích, hỗ trợ doanh nghiệp nắm chắc các quy định để tận dụng các cơ hội; khắc phục hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế các FTA.
Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương với các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Đồng thời, phát triển xuất khẩu theo chiều sâu tới những thị trường truyền thống, như Mỹ, EU, Trung Quốc, các nước Đông Á, ASEAN.
NĐT: Năm 2023, dự báo kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, lạm phát ở mức cao. Vậy bà có khuyến nghị gì để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm 2023 đã được Quốc hội thông qua là tăng trưởng GDP 6,5%, kiềm chế lạm phát dưới 4,5%?
Bà Nguyễn Thị Hương: Năm 2023, dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội.
Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn. Khó khăn và nhiều thách thức, nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao, rủi ro về chuỗi cung ứng; thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý, thiên tai, dịch bệnh bão lũ, biến đổi khí hậu… là các vấn đề cần hết sức lưu ý.
Có thể thấy bối cảnh quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm 2023 và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5% – thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02% và đây sẽ là mục tiêu đầy thách thức.
Do đó, cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cơ sở để đạt được mục tiêu này dựa trên các động lực chính. Đó là, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2023 được dự báo vẫn sẽ một năm gặt hái nhiều thành công của ngành này.
Cầu tiêu dùng hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh từ giữa và nửa cuối năm 2022 đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa nông sản, nhờ vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước. Năm 2023 hứa hẹn vẫn sẽ một năm thành công của xuất khẩu các sản phẩm nông sản.
Đầu tư công cũng sẽ là vốn mồi cho các hoạt động sản xuất, kích cầu của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Khi tiêu dùng sau giai đoạn phục hồi mạnh sau dịch Covid-19 đã có dấu hiệu chậm lại và đầu tư nước ngoài vẫn là một ẩn số khi hiện nay vốn đăng ký giảm đi, dù vốn thực hiện có tăng thì đầu tư công vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Cuối cùng, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023; lạm phát được kiểm soát là yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt.
NĐT: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!
Nguyễn Thu Huyền