Nếu mua mới, nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành tăng sau thị trường nhịp này như dầu khí, đầu tư công, bán lẻ hay thủy sản.
VN-Index tiếp tục dao động quanh quẩn mốc tham chiếu, khối ngoại bán ròng liên tiếp tới phiên thứ 6 mặc cho những thông tin tích cực trên thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/4, VN-Index giảm đến 5,15 điểm, tương đương 0,48% xuống 1.064,3 điểm. Toàn sàn chỉ có 121 mã tăng, còn lại 268 mã giảm, 55 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,1 điểm, tương đương 0,99% xuống 209,84 điểm. Toàn sàn có 60 mã tăng, 111 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,2 điểm lên 79,35 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 22 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 13.466 tỷ đồng, giảm 18% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE cũng giảm 9,6% về 11.437 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản thị trường đạt 3.974 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán TPS: VN-Index tiếp tục giảm và một lần nữa hướng về hỗ trợ 1.050-1.060 điểm, vùng giá mà chỉ số đã test thành công trong phiên ngày 11/4. Việc điều chỉnh trên cho thấy áp lực bán vẫn đang ở mức cao và điều này đang kìm hãm sự đi lên của thị trường.
Tuy nhiên, thanh khoản VN-Index vẫn được duy trì trên mức 10.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền chưa rời bỏ thị trường và đây vẫn là động lực giúp nhà đầu tư kỳ vọng về xu hướng phục hồi của chỉ số. Hiện tại, sự chú ý của thị trường một lần nữa sẽ đổ dồn vào diễn biến của lực cầu tại vùng 1.050-1.060 điểm. Nếu vùng này vẫn có thể trụ vững, cơ hội để chỉ số hướng đến kháng cự 1.100 điểm vẫn còn.
Chứng khoán TVSI: Chỉ số vẫn duy trì đóng cửa cao hơn mức giá trị cao nhất của tháng 3 vừa qua, cho thấy vẫn kỳ vọng xu hướng tăng giá sẽ tiếp diễn. Chỉ số dự báo sẽ cần tích lũy thêm vài phiên và cần một phiên tăng điểm với thanh khoản bùng nổ để xác nhận xu hướng tăng giá tiếp diễn.
Với việc chưa thể xác nhận hoàn toàn đà tăng trở lại, các nhóm ngành tăng sau thị trường đang được chú ý đến. Vùng hỗ trợ ngắn hạn của xu hướng tăng giá vẫn là quanh ngưỡng 1.054 – 1.056 điểm và vùng kháng cự mạnh của chỉ số vẫn là vùng đỉnh hồi phục tháng 2 tại ngưỡng 1.085 – 1.095 điểm. TVSI vẫn tạm thời duy trì ý kiến chủ quan khi cho rằng nhịp điều chỉnh đã kết thúc và thị trường sẽ tiếp diễn xu hướng tăng giá trở lại.
Với kỳ vọng xu hướng của thị trường hiện tại là tăng giá nên các nhịp rung lắc hay điều chỉnh đều là cơ hội để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu hay cơ cấu lại danh mục đầu tư. Nếu mua mới, nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành tăng sau thị trường nhịp này như dầu khí, đầu tư công, bán lẻ hay thủy sản. Với các nhóm ngành mạnh mẽ trước đó dự báo sẽ tích lũy trở lại trên nền giá cao.
Chứng khoán Phú Hưng: Nhìn chung, thị trường tiếp tục nằm trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật sau phiên giảm 13/4. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp rung lắc để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn. Trong đó ưu tiên giao dịch trên các cổ phiếu có cơ bản tốt, có dự báo kết quả kinh doanh quý I khả quan và đang thu hút được dòng tiền mạnh.
Tin vắn chứng khoán
– Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã tăng lên 5,22% trong phiên 11/4. So với mức ghi nhận cuối tháng 3, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gấp gần 5 lần. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tăng mạnh lên lần lượt 5,28% và 5,42%. Trong khi các kỳ hạn dài hơn như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng không có nhiều thay đổi, thậm chí giảm.
Dù lãi suất tăng mạnh, quy mô vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng vẫn ở mức cao, đạt trên 210.000 tỷ đồng trong phiên 11/4. Liên tiếp trong 5 phiên gần đây (6/4 – 12/4), NHNN đã cho hệ thống vay mới tổng cộng gần 29.600 tỷ đồng qua kênh OMO, với lãi suất 5%. Trong đó, ngoài kỳ hạn 28 ngày, NHNN cũng triển khai thêm OMO 7 ngày để hỗ trợ trợ thanh khoản hệ thống. Đồng thời, nhà điều hành cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản.
– Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, Kho bạc Nhà nước huy động được 104.873 tỷ đồng, đạt 97,1% kế hoạch quý I và 26,22% kế hoạch năm 2023. Đáng chú ý, trong quý I/2023, Kho bạc Nhà nước gọi thầu trở lại đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 7 năm bên cạnh các kỳ hạn dài 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.
Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm trúng thầu nhiều nhất, tuy nhiên tỉ trọng trúng thầu có xu hướng giảm so với tháng 2, đạt tỷ trọng lần lượt là 32,99% và 41,88% tổng giá trị gọi thầu.
Phạm Hồng Nhung