Theo các chuyên gia, thay vì đoán đỉnh thị trường, nhà đầu tư cần quan tâm đến kỷ luật phân bổ tài sản phù hợp, đọc kĩ báo cáo tài chính để tránh rủi ro đầu tư.
Nửa đầu năm 2023, VN-Index đã tăng 11,1% và đà tăng tiếp diễn trong tháng 7. Trong phiên giao dịch ngày 28/7, chỉ số đã vượt ngưỡng 1.200 điểm, đóng cửa ở vùng cao nhất kể từ cuối tháng 9/2022. Sự hỗ trợ tích cực của dòng tiền trong nước trở thành lực đẩy của thị trường.
Trong tuần vừa qua, thị trường có chút lưỡng lự và rung lắc đầu tuần do tâm lý nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của FED về chính sách tiền tệ vào giữa tuần. Tuy nhiên, đúng như thị trường kì vọng và sau đó VN-Index đã có nhịp tăng khá mạnh về cuối tuần và chính thức vượt mốc 1.200 điểm.
Bên cạnh đó, thông tin về tăng trưởng GDP quý II của Mỹ đạt 2,4% cao hơn so với dự đoán của các chuyên gia và quý I/2023 cũng góp phần vào đà tăng trưởng của thị trường.
Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 23.508 tỷ đồng, tăng 15,5% so với tuần trước đó. Khối ngoại mua ròng 792 tỷ đồng trên HoSE, giảm 31,3% so với tuần trước đó. Cùng lúc đó, khối ngoại mua ròng 54 tỷ đồng, giảm 72,5% so với tuần trước đó trên HNX-Index, tuy nhiên bán ròng 1.187 tỷ đồng trên sàn UPCOM.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Trưởng phòng môi giới, CTCK Yuanta Việt Nam – Co-Founder BigStock, Quản lý tài sản và ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCK BIDV (BSC) đều đưa ra nhận định rằng dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường vẫn sẽ có khả năng lên được mốc 1.300 điểm.
Người Đưa Tin: Tại phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đã bốc đầu tăng vượt mốc 1.200 điểm và đóng cửa ở mức 1.207 điểm – đây cũng là mức điểm cao nhất trong vòng 10 tháng qua, theo ông nguyên nhân khiến chỉ số bứt phá mạnh là gì, và mức điểm này còn được duy trì trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Trong tuần vừa qua, có rất nhiều thông tin hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, thị trường chứng khoán thế giới khởi sắc tăng mạnh, nhiều thị trường quay lại vùng đỉnh 2022; nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý II/2023; kì vọng vào hệ thống core KRX sắp được triển khai.
Chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng đi lên và chưa có tín hiệu kết thúc xu hướng tăng này. Trong ngắn hạn 1-2 tuần tới, tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục vận động trên 1.200.
Ông Bùi Nguyên Khoa: Theo tôi, động lực chính cho đà tăng mạnh của thị trường đến từ xu hướng hạ nhiệt của lãi suất kích thích dòng tiền chảy vào chứng khoán, cộng thêm sự trở lại của dòng tiền khối nội khiến những nhà đầu tư “lỡ tàu” cũng sốt ruột giải ngân trong những nhịp tăng giá. điều này khiến VN-Index dễ dàng vượt mốc 1.200 điểm.
Dù vậy, khi nền tảng cơ bản chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện, kỳ vọng vẫn là yếu tố kéo thị trường đi lên trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng không “đuổi kịp” nền tảng cơ bản, VN-Index khó có thể tăng nhanh và mạnh hơn nữa. Hơn nữa, thời điểm thị trường trading dễ nhất vẫn là giai đoạn đầu, bởi khi thị trường đã có nhịp tăng nhất định, kỳ vọng phản ánh vào giá dòng tiền sẽ chờ đợi yếu tố cơ bản và chọn lọc kỹ lưỡng hơn.
NĐT: TTCK Việt Nam vừa bước qua nửa đầu năm 2023 tương đối thuận lợi, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa rủi ro của thị trường đã hết. Vậy theo ông thị trường còn gặp những thách thức gì?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Sau khi nghiên cứu sơ bộ mùa báo cáo tài chính quý II, tôi nhận thấy một số điểm quan trọng.
Ví dụ nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và tín dụng đã chậm lại, đặc biệt nợ xấu tăng rất mạnh dù hiện tại thông tư giãn nợ vẫn còn hiệu lực. Đây là báo hiệu ngành ngân hàng sẽ gặp khó trong thời gian tới và nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không trả được nợ đúng hạn.
Nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý I đột biến, nhưng sang quý II lại sụt giảm rất mạnh. Điều này thể hiện kết quả kinh doanh không ổn định hoặc doanh nghiệp đã có thủ thuật tạo đột biến lợi nhuận. Vì vậy, nhà đầu tư nên đọc kĩ báo cáo tài chính.
Cuối cùng, dù tình hình vĩ mô chung còn nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn có những nhóm ngành hưởng lợi, doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận. Theo tôi, đó chính là cơ hội đáng để đầu tư.
Ông Bùi Nguyên Khoa: Có hai kịch bản thị trường trong thời gian tới. Đầu tiên là nếu kết quả kinh doanh cải thiện tốt trong những quý tới, VN-Index có thể tiếp tục đà tăng lên 1.300 điểm.
Ngược lại, nếu kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý III không đạt được khiến dòng tiền mất đà, thị trường có thể vượt 1.200 điểm, song sẽ điều chỉnh và tích luỹ trong thời gian dài. Dù vậy, tôi cho rằng xu hướng này phải đến cuối quý III, đầu quý IV mới rõ ràng hơn.
Tôi đánh giá rủi ro trên thị trường chưa quá cao. Bởi dòng tiền trên thị trường có hai loại là cơ sở và margin, rủi ro sẽ xuất hiện trong trường hợp hai dòng tiền này đều tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện lượng margin tại các công ty vẫn đang giữ mức ổn định cho thấy dòng tiền tăng nhiều từ cơ sở. Nhìn số lượng tài khoản mở mới tăng gấp đôi trong tháng 6 cũng phần nào thấy đang có lượng tiền mới tham gia thị trường.
NĐT: Theo ông, nhà đầu tư cần lưu ý điều gì và nhóm ngành đặc biệt nào trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Trọng Minh: Việc FED giữ mặt bằng lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến vĩ mô toàn cầu, cũng như vĩ mô của Việt Nam. Khi tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, dòng tiền tắc nghẽn thì nhu cầu vay vốn sẽ giảm dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại, nợ xấu tăng lên.
Đây là điều có thể nhìn thấy trong báo cáo tài chính quý II vừa qua. Tôi cho rằng các quý tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Giá cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ có sự phân hóa tương tự năm 2019.
Ông Bùi Nguyên Khoa: Trên thị trường hiện có hai trạng thái đan xen đó là những người đứng ngoài tiếc nuối khi chưa kịp giải ngân và những người “bán hớ” khi thị trường tiếp tục tăng. Theo tôi, thay vì đoán đỉnh thị trường, nhà đầu tư cần quan tâm đến kỷ luật phân bổ tài sản phù hợp.
Phạm Hồng Nhung