Những ngày cuối năm, làng nghề bánh chưng Vĩnh Hoà, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An rộn ràng không khí khẩn trương, tất bật để kịp giao hàng cho khách.
Năm 2008, làng bún bánh Vĩnh Hòa, xóm 9, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được công nhận là làng nghề. Mặc dù được công nhận là làng nghề nhưng người dân ở đây vẫn bám ruộng, bám vườn làm ăn. Tuy nhiên, thu nhập chính của người dân nơi đây vẫn từ nghề gói bánh chưng. Nhờ nghề gói bánh chưng, nay cuộc sống của người dân đã đổi đời. Sản phẩm của làng từ lâu đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng.
Vào dịp Tết, làng nghề bánh chưng Vĩnh Hòa nổi lửa thâu đêm suốt sáng. Những hộ làm bánh chưng thậm chí ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, mỗi ngày chỉ chợp mắt 2 tiếng để gói bánh kịp giao hàng cho khách.
Không riêng gì dịp Tết, mà ngày thường các hộ dân ở đây cũng gói và xuất đi những chiếc bánh chưng vuông vắn, xinh đẹp đến mọi miền đất nước. Dịp Tết này đến nhà nào ở Vĩnh Hoà cũng thấy lá dong, lá chuối xanh, những bì đậu xanh, nếp trắng,… trong nhà.
Những ngày giáp Tết, công việc của người dân làng Vĩnh Hòa bắt đầu từ khoảng 5h sáng. Mọi người trong gia đình đều được phân công những nhiệm vụ khác nhau. Người ngâm gạo, người gói bánh, chẻ lạt, róc lá… Anh Lê Thái Yên, 52 tuổi, trú tại làng Vĩnh Hoà cho biết, công việc làm bánh này rất nhiều công đoạn. Dịp Tết, cả gia đình anh Yên gói 1.000-2.000 chiếc bánh mỗi ngày, trị giá khoảng 25-30 triệu đồng.
Đầu tiên, là khâu chọn gạo nếp là loại ngon nhất, mình tròn mẩy, trắng, kiểm tra cẩn thận, tránh lẫn gạo tẻ vào sau đó mới ngâm nước, rắc một ít muối trắng vào để khi ăn cảm thấy đậm đà. “Bản thân cũng không muốn chuyển sang nghề khác bởi tôi vốn yêu thích công việc này. Mỗi lần gói bánh là tôi cảm nhận như mình đang gói tình cảm quê hương vào trong đó. Từ 18/12 Âm lịch trở đi khách hàng bắt đầu đặt với số lượng lớn. Các thành viên trong gia đình phải tất bật dậy từ sớm làm cho đến đêm khuya mới đủ cung ứng bánh ra thị trường”, anh Yên cho biết.
Nhân của bánh chưng làng Vĩnh Hoà gồm các nguyên liệu như: Đậu xanh, thịt và hành củ.
Theo người dân nơi đây, nhân bánh phải cân bằng tỉ lệ giữa đậu xanh, thịt ba chỉ ướp với gia vị để không gây cảm giác ngán cho người ăn tạo nên đặc trưng riêng chỉ có ở làng bánh này
Ngoài bánh chưng, sản phẩm làng nghề Vĩnh Hòa còn có bánh gai, bánh tét, bánh cuốn…Và một điều quan trọng đối với người làm bánh Vĩnh Hòa dù trong thời điểm nào cũng cố gắng làm ra những chiếc bánh chưng không chỉ có chất lượng ngon để giữ gìn thương hiệu làng nghề.
Bánh chưng Vĩnh Hòa không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh mà còn cung cấp cho cả Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và sang nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Hạ, 63 tuổi cho biết, gia đình làm nghề từ năm 1998, mỗi ngày gói 50-100kg nếp, nhưng dịp Tết thì nhiều hơn. Thị trường tiêu thụ của gia đình ông không chỉ các xã trong huyện mà vươn ra cả huyện Nghĩa Đàn, Tp.Vinh, Diễn Châu,… và một số nơi ở tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội,….
Với người dân Vĩnh Hòa, bánh chưng đã trở thành món ăn quen thuộc. Trong nhà lúc nào cũng sẵn, hễ có khách đến chơi, là đãi bánh chưng, nước chè xanh …
“Những ngày cận Tết này thì người dân không có thời gian nhiều để nghỉ ngơi do số lượng khách đặt nhiều hơn so với ngày bình thường. Hiện nay số hộ tham gia nghề gói bánh khoảng 220/372 hộ. Nghề bánh ở đây được cha truyền con nối, tạo nên thương hiệu đặc trưng giúp kinh tế địa phương, gia đình ngày một ổn định và phát triển”, ông Lưu Đức Bằng, xóm trưởng Vĩnh Hòa cho biết.
Minh Tâm
Link nguồn