Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số Vn-Index giảm 22,62 điểm (2,45%) xuống 900,11 điểm; Hnx-Index giảm 2,04 điểm (1,97%) xuống 101,69 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tăng lên đáng kể đạt 2.900 tỷ đồng giá trị khớp lệnh.
Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch ngày 25/10, thị trường chứng khoán Việt đã gặp áp lực bán dồn dập trên mọi nhóm ngành kéo các chỉ số đồng loạt giảm sâu. Tại thời điểm 9h30’, Vn-Index giảm 37,39 điểm (4,05%) xuống 885,34 điểm; Hnx-Index giảm 3,37 điểm (3,35%) xuống 100,26 điểm và Upcom-Index giảm 1,26% xuống 50,86 điểm.
Số mã giảm điểm trên toàn thị trường áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng, thậm chí nhiều cổ phiếu giảm sàn như LDG, VPH, HNG… Ở nhóm Bluechips, VHM, VIC, VRE, PLX, VJC, MSN, BVH, MWG, PNJ, GAS, FPT…đồng loạt giảm sâu khiến thị trường không còn lực đỡ.
Tuy nhiên, về cuối phiên sáng, diễn biến thị trường dần trở nên tích cực hơn khi lực cầu bắt đáy mạnh dạn “nhập cuộc” giúp các chỉ số thu hẹp đà giảm. Nhiều Bluechips hiện đã hồi phục đáng kể so với buổi sáng, thậm chí MSN còn tăng nhẹ 100 đồng đã hỗ trợ tâm lý giới đầu tư khá tốt.
Nhóm thủy sản, dệt may hiện hồi phục khá tích cực với TCM, TNG, CMX, ABT, IDI tăng điểm.
Đà giảm này đến từ tâm lý của các nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới.
Cụ thể, hôm qua, chứng khoán Mỹ lao dốc một lần nữa với Nasdaq rơi vào vùng điều chỉnh còn Dow Jones và S&P 500 xóa sạch phần tăng thêm từ đầu năm do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận gia tăng. Dow Jones giảm 608,01 điểm, tương đương 2,41%, xuống 24.583,42 điểm. S&P 500 giảm 84,59 điểm, tương đương 3,09%, xuống 2.656,1 điểm. Nasdaq giảm 329,14 điểm, tương đương 4,43%, xuống 7.108,4 điểm, thấp hơn 12,4% so với đỉnh hôm 29/8 và là mức giảm một ngày lớn nhất kể từ ngày 18/8/2011.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á cũng mở cửa bằng việc lao dốc rất mạnh. Chỉ số Nikkei 225 ngay từ đầu phiên giao dịch đã giảm trên 700 điểm (hơn 3%), chỉ số Hang Seng giảm trên 500 điểm (hơn 2%).
Từ đầu năm đến ngày 24/10, chứng khoán châu Á đã “bốc hơi” 4.900 tỷ USD giá trị vốn hóa, và phiên giao dịch ngày thứ Năm có thể đưa con số thiệt hại lên mức cao hơn – theo hãng tin Bloomberg.
Lý do khiến chứng khoán châu Á sụt giảm gần đây đều là những vấn đề đã trở nên quen thuộc đối với nhà đầu tư trong khu vực: chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, những mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, giá cổ phiếu công nghệ giảm nhanh, và lãi suất tăng do ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo Anh Minh/Thương Gia