Home Tiêu điểm Lấy ý kiến việc chuyển giao công trình điện là tài sản...

Lấy ý kiến việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý

0

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý. Nhiều nội dung về điều kiện chuyển giao cũng như xử lý phần đất gắn với công trình cũng được đặc biệt lưu ý trong lần lấy ý kiến này.

Theo Bộ Tài chính, sau 3 năm thực hiện việc điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang EVN quản lý theo Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg đã được thông qua trước đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định điều chuyển 302 công trình. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng phát sinh một số hạn chế, bất cập, cần thiết phải bổ sung sửa đổi cho phù hợp.

Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định mới để thay thế Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg. Đây cũng là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính tại Công văn số 8594/VPCP-KTTH ngày 24/11/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển giao công trình điện công

Theo dự thảo, điều kiện công trình điện được chuyển giao sang đơn vị điện lực quản lý cần đáp ứng: 1. Phù hợp với quy hoạch điện lực tại thời điểm chuyển giao; 2. Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm chuyển giao; 3. Công trình điện đang vận hành bình thường tại thời điểm chuyển giao; 4. Công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bất kỳ bảo đảm nghĩa vụ nợ nào khác.

Công trình điện đáp ứng điều kiện theo quy định được chuyển giao nguyên trạng sang đơn vị điện lực quản lý theo quy định tại Nghị định này.

Việc chuyển giao công trình điện sang đơn vị điện lực quản lý được thực hiện theo phương thức ghi tăng tài sản, tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo giá trị công trình điện tại thời điểm chuyển giao; việc xác định giá trị công trình điện chuyển giao được thực hiện theo quy định tại Nghị định này; không thực hiện hoàn trả vốn đối với các công trình điện chuyển giao.

Đối với các công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà chi phí quản lý vận hành đã tính vào giá bán điện cho đơn vị điện lực của Bên giao thì chi phí cho việc quản lý vận hành của công trình điện chuyển giao tính cho thời gian còn lại theo dự án phải được giảm trừ vào giá bán điện của Bên giao cho đơn vị điện lực.

Sau khi hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận, đơn vị điện lực có trách nhiệm quản lý, sử dụng, hạch toán tài sản và vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan. Việc quản lý, sử dụng đất gắn với công trình điện chuyển giao được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định tại Nghị định này.

Trong thời gian chưa chuyển giao công trình điện cho đơn vị điện lực, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có công trình điện có trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì công trình điện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn.

dien_luc

Về việc xử lý đất gắn với công trình điện được chuyển giao

Cũng tại Dự thảo, việc xử lý đất gắn liền với công trình điện chuyển giao cũng được nêu rõ theo từng trường hợp: Nếu công trình điện nằm trong khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc nằm trong phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng mà không thể tách khỏi khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng thì Bên giao tiếp tục quản lý, sử dụng phần diện tích đất gắn liền với công trình điện được bàn giao, thực hiện ký thỏa thuận với Bên nhận và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho Bên nhận thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý vận hành công trình điện được nhận bàn giao. Sau khi bàn giao công trình điện, trường hợp Bên giao có yêu cầu di chuyển công trình điện từ vị trí hiện tại đến vị trí mới, thì Bên giao có trách nhiệm bố trí vị trí mới để di chuyển bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và thuận tiện cho công tác quản lý vận hành; chi phí cho việc di chuyển thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nếu công trình điện nằm ngoài khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng hoặc có thể tách khỏi khuôn viên trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng thì thực hiện chuyển giao cả diện tích đất gắn liền với công trình điện. Bên nhận được tiếp tục quản lý, sử dụng phần diện tích đất gắn với công trình điện chuyển giao và có trách nhiệm phối hợp với Bên giao liên hệ với các cơ quan chức năng của địa phương để làm thủ tục về đất đai đối với phần diện tích đất gắn liền với công trình điện nhận bàn giao theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nguyên Đỗ

Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/lay-y-kien-viec-chuyen-giao-cong-trinh-dien-la-tai-san-cong-sang-evn-quan-ly-p38784.html?fbclid=IwAR0lX0sc2XZJnn0XPSIrbSUjPlE5iIIo8eNH17e5_hJlZx6ya86-PERhc3EEVN