Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Liên kết với dịch vụ hàng không thời cơ và giải pháp...

Liên kết với dịch vụ hàng không thời cơ và giải pháp cho Du lịch Việt Nam phát triển hậu Covid

0

Giao thông vận tải (GTVT), đặc biệt là giao thông hàng không (HK) là một thành phần cơ bản góp phần tạo ra các sản phẩm, loại hình du lịch (DL). Do đó, sự liên kết của hai ngành này càng có ý nghĩa lớn cho sự phát triển của bất kỳ thời gian, địa điểm DL nào đang muốn khai thác.

Giao thông HK ngày càng quan trọng khi chiếm lĩnh ưu thế so với các phương tiện giao thông khác về sự an toàn và thời gian. Hoạt động HK càng có ý nghĩa khi góp phần rút ngắn khoảng cách cả về không gian lẫn thời gian, khi đưa khách DL đến được nhiều điểm tham quan  trọng 1 thời gian ngắn. Đặc biệt, đối với nước ta do đặc điểm địa lý khiến các điểm DL phân bố trải dài từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng lên miền núi, cao nguyên. Cũng chính vì vậy, có thể nói: Giao thông HK hiện đang dần dần thống trị ở VN, đặc biệt là các tuyến DL đường dài khi mà các phương tiện giao thông khác như đường bộ, đường sắt, đường thủy… đang còn hạn chế về thời gian và chất lượng vận chuyển.

Ngành HK dân dụng VN ngày càng mở cửa và loại bỏ dần các quy định rào cản, và đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) sâu, rộng; đặc biệt là xu thế phát triển như vũ bão của trào lưu hàng không chi phí thấp (hàng không giá rẻ – Low Cost Airlines – LCA); các sân bay lẻ ở Việt Nam cũng không ngừng được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và đang được các nhà quản lý định hình thành những sân bay giá rẻ.. Bởi vậy cũng có thể nói giao thông hàng không giá rẻ cũng sẽ dần thống trị các phương tiện giao thông khác ở Việt Nam cho các chuyến du lịch ngắn ngày và điểm di chuyển không xa. Hàng không và Du lịch là hai ngành kinh tế gắn bó mật thiết với nhau, Hàng không đưa khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và khách du lịch tiếp tục di chuyển nội địa bằng các phương tiện khác để thực hiện, thỏa mãn các nhu cầu về nghỉ dưỡng, khám phá..Việc nhiều khách du lịch chọn hàng không là phương tiện di chuyển đã tạo điều kiện cho thị trường hàng không nội địa phát triển nhanh chóng. Khách du lịch đến Việt Nam càng nhiều, càng tạo cơ hội để hai ngành cùng phát triển. Về ngành hành không, năng lực vận chuyển sẽ được cải thiện, chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ đươc nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của hành khách. Đặc biệt, khi ngành du lịch định hướng được quy hoạch phát triển, có chiến lược cho từng thị trường khách du lịch cũng như từng vùng miền và lộ trình phù hợp sẽ giúp hàng không xác định kế hoạch thị trường hiện tại và tương lai, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường khe, thị trường vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh, sự hợp tác giữa hai ngành Hàng không – Du lịch trong các roadshow, hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế, sẽ quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè, nhà đầu tư, khách du lịch quốc tế. Sự hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của cả hai ngành, và là con đường tất yếu để đưa cả hai ngành cùng phát triển, trở thành hai ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Những hạn chế đang tồn tại

Việc hợp tác giữa hai ngành HK và DL trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Hai bên chưa phối hợp chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, vì vậy, một số hoạt động không thể phối hợp, hoặc sự phối hợp chưa đạt hiệu quả cao. Mặt khác, do sự khác biệt về cơ chế quy trình giải ngân, thanh quyết toán, do Tổng cục Du lịch (TCDL) là cơ quan nhà nước phải tuân theo quy định tài chính hiện hành, còn các hãng hàng không Việt Nam (HKVN) là doanh nghiệp, được chủ động hơn về tài chính.  Sự phối hợp giữa TCDL với HKVN trong quá trình đặt chỗ và thông tin vẫn còn thiếu đồng bộ khiến các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn trong việc đặt vé trong mùa cao điểm cũng như một số đường bay nhất định. Hiện có hơn 40 hãng hàng không nước ngoài đặt văn phòng đại diện hoặc mở đường bay đến Việt Nam nhưng có được bao nhiêu hãng có chương trình hợp tác trực tiếp với TCDL! Trong khi thiếu vé thì ngành Hàng không chỉ dành ưu tiên vé giá rẻ cho một số doanh nghiệp du lịch có số lượng khách lớn nên các công ty du lịch vừa và nhỏ hầu như không thể tiếp cận nguồn vé này, số chỗ trên máy bay hạn chế nên đơn vị lữ hành rất khó tổ chức các tour du lịch hội nghị (MICE) cho đoàn khách đông, hay điều kiện đặt chỗ khó khăn cũng làm giảm tính kích cầu.  

Trong khi đó, vẫn còn không ít các doanh nghiệp lữ hành còn thụ động, chưa thực sự chủ động hợp tác với HKVN trong các hoạt động xúc tiến thu hút khách trên thị trường trong và ngoài nước trong công tác xúc tiến quảng bá, sự phối hợp lỏng lẻo giữa TCDL và HKVN từ khâu xây dựng kế hoạch nên một số hoạt động không thể phối hợp hoặc phối hợp mà hiệu quả thấp.

Một số giải pháp cơ bản thúc đẩy liên kết Du Lịch – Hàng Không ở Việt Nam  hiện nay

Để cho các quan hệ liên doanh, LK trở nên thuận lợi, có hiệu quả và khả thi tất yếu cần có sự phối hợp liên ngành, trong đó phải có các cơ quan chuyên ngành của nhà nước làm người “trọng tài” có uy tín với hệ thống các nguyên tắc có tính pháp lý điều chỉnh, tức là cần một hệ thống thể chế và thiết kế phối hợp ở tầng vĩ mô thích hợp, khả thi. Chính vì vậy, các giải pháp kinh tế vĩ mô trở thành các giải pháp tiên quyết đảm bảo cho tính hiệu quả và bền vững của các quan hệ LK HK – Lữ hành DL.

Khung pháp lý đầy đủ hoàn chỉnh, rõ ràng, ổn định, khả thi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành, phát triển của các quan hệ LK, liên doanh giữa các doanh nghiệp hoạt động ở các ngành khác nhau. Đối với nước ta, qua nhiều lần hoàn thiện, bổ sung các đạo luật về thương mại, đầu tư và kinh doanh, đặc biệt là sự hợp nhất giữa luật đầu tư trong nước và luật đầu tư nước ngoài, cũng như điều chỉnh các đạo luật liên quan đến đầu tư thương mại theo yêu cầu của WTO khi VN là thành viên chính thức của tổ chức toàn cầu này đã tạo được bước chuyển biến lớn về khung khổ pháp lý bảo đảm cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động thuận lợi hơn.

Hiện nay, các khung khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các quan hệ LK, liên doanh giữa các doanh nghiệp hoạt động, các ngành khác nhau trong hệ thống ngành của nền kinh tế quốc dân và quốc tế còn mỏng, chưa đầy đủ rõ ràng, chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế. Do đó, nhà nước cần phải bổ sung, hoàn thiện để thúc đẩy các quan hệ liên doanh, LK có cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch để tất cả các thực thể kinh tế tham gia liên doanh có được căn cứ về nghĩa vụ và quyền lợi bảo đảm để yên tâm duy trì mối quan hệ LK ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt là việc hình thành đồng bộ hệ thống trọng tài và tòa án hoạt động thường xuyên và có hiệu quả trong các phân xử theo luật định để ngăn ngừa những hiện tượng vi phạm các cam kết trong liên doanh, LK bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên tham gia để củng cố và tạo điều kiện cho các LK kinh tế được duy trì ổn định và phát triển theo luật định. Đối với quan hệ LK DL – HK cần có hai hệ thống giải pháp về khung khổ pháp luật phải bổ sung và hoàn thiện tác động cùng chiều vào việc tăng cường và củng cố các quan hệ liên doanh và LK: Đó là hệ thống pháp lý giúp tăng cường sức mạnh bản thân được các thực thể kinh tế này và thúc đẩy các quan hệ LK kinh tế giữa du lịch và hàng không./.

TS. Phùng Thế Tám(Đại học Kinh Tế Luật) – TS. Nguyễn Hoàng Hiệp(Đại học Lincoln, Malaysia)

Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/lien-ket-voi-dich-vu-hang-khong-thoi-co-va-giai-phap-cho-du-lich-viet-nam-phat-trien-hau-covid-p38054.html