Dù ngành rau quả liên tục lập kỷ lục về xuất khẩu nhưng tình trạng “được mùa mất giá” vẫn tiếp diễn gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân.
Xuất khẩu rau quả bứt phá ấn tượng
Xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp. Theo VTV, chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngành hàng này đã mang về gần 2,8 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022. Nếu không có gì thay đổi, kỷ lục mới của năm nay sẽ sớm được xác lập.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về sản xuất cây ăn trái với tổng diện tích trên 1,2 triệu hecta. Diện tích trồng mới hàng năm tăng liên tục, trung bình hơn 62.000 hecta/năm ở khu vực miền Nam, tập trung vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài, bưởi… Đây là điều kiện để nước ta đứng thứ 9 về xuất khẩu rau quả trên thị trường thế giới.
Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam bắt đầu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2013 và liên tục nhiều năm gần đây vượt mức 3 tỷ USD mỗi năm. Với kim ngạch của 6 tháng đầu năm nay, dự báo xuất khẩu rau quả trong nửa cuối năm sẽ tăng trưởng khả quan, thậm chí kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể xác lập kỷ lục mới cho ngành hàng này.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), gọi kết quả trên “vượt ngoài sự mong đợi”, dự báo năm 2023 xuất khẩu đạt 5 tỉ USD, giữa kinh tế thế giới đang diễn biến xấu.
Vẫn tiếp diễn điệp khúc “được mùa mất giá”
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), phân tích về kỷ lục xuất khẩu rau quả của Việt Nam 6 tháng đầu năm chủ yếu nhờ vào mặt hàng sầu riêng từ Trung Quốc. “Các mặt hàng còn lại và thị trường còn lại không có nhiều sự thay đổi. Vì vậy, tình trạng được mùa mất giá vẫn tái diễn”, ông Mười nêu.
Ông Mười nói thêm từ tháng 4 đến nay, nhiều mặt hàng trái cây vào vụ thu hoạch, mặt bằng giá giảm so với các năm như: vải thiều, mận, xoài, bơ, thanh long… Trong đó, bơ bị rớt giá kéo dài do sản lượng lớn nhưng chỉ tiêu thụ nội địa, các sản phẩm chế biến từ bơ còn hạn chế.
Ghi nhận của báo Người Lao Động, những ngày qua, bơ 034 (giống bơ có hình dạng thon dài, cơm vàng dẻo, vỏ mỏng, hạt nhỏ) được bán khắp nơi ở Tp.HCM với giá rẻ chưa từng thấy.
Tại một điểm bán trái cây đặc sản trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, bơ 034 loại lớn có giá chỉ 25.000 đồng/kg, loại nhỏ 20.000 đồng/kg.
Tại khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu, bơ 034 được bán dạng đổ đống với giá chỉ 15.000-20.000 đồng/kg. Thậm chí, loại trái từng một thời được coi là mặt hàng xa xỉ này còn được bày bán chung trên xe rau hàng rong với giá 10.000 đồng/kg.
Anh Lê Huy Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Lê’sFarm – doanh nghiệp khởi nghiệp với sản phẩm chế biến từ bơ, xác nhận chưa bao giờ giá bơ 034 rẻ như hiện nay. Trong cao điểm dịch Covid-19, bơ 034 tại vườn vẫn có giá 12.000-15.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 7.000-9.000 đồng/kg do chín đồng loạt và không có đầu ra.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với trái xoài Sơn La. “Xã Chiềng Sàng hiện nay có 226 ha Xoài, nhưng mà khó khăn nhất cho bà con nhân dân là về giá cả. Hiện nay giá bán cho xe thu mua thì chỉ 3.000 đồng/kg; còn lại thì chỉ 2.000 – 2.500 đồng/kg, nên rất khó khăn cho bà con nhân dân”, ông Lường Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, chia sẻ với VOV.
Yên Châu là vùng có nhiều diện tích xoài nhất tỉnh Sơn La, với hơn 3.200 ha. Năm nay dự tính sản lượng thu hoạch đạt khoảng 17.000 tấn. Đến nay, địa phương đã tiêu thụ được khoảng 12.000 tấn. Theo ghi nhận, tại nhiều nhà vườn, mặc dù đã đến lúc thu hoạch, nhưng vì giá rẻ, nên người dân cũng chẳng mặn mà với việc thu hái để bán.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, Hợp tác xã Kim Tiến, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu cho biết: “Hiện tại bây giờ giá đổ tại vườn từ 2.500 – 3.000 đồng/kg. Với giá này thì người dân rất chán vì không đủ tiền đầu tư, chăm sóc. Riêng tiền thuê hái này cùng với vận chuyển, có những nương khó vận chuyển thì cũng gần hết”.
Gần 1 tháng nay, nhiều vườn thanh long ở huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vào vụ thu hoạch rộ và nhà vườn cũng gặp khó khăn khi trái thanh long rớt giá, thậm chí thương lái không thu mua.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thy, ở ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cho biết, nhà bà trồng thanh long hơn 10 năm nay và chưa bao giờ giá bán ra thấp như hiện nay. Hiện giá thanh long ruột trắng chỉ tầm 2.000 đồng/kg trong khi mọi năm giá 9.000-10.000 đồng/kg. Nhưng giá thấp như vậy mà mấy ngày nay thương lái cũng không thu mua, nên thanh long rụng đỏ vườn.
Theo bà Thy: “Mấy ngày gần đây thu hoạch rộ quá nên đầu ra càng khó, chỉ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg, gọi thương lái cũng không ai mua. Tiền công, tiền phân tăng cao mà giá như thế này thì làm sao mà có lãi. Bây giờ nhà vườn mong nhà nước làm sao có cách ổn định giá cả”.
Phân tích về việc thanh long rớt giá, ông Nguyễn Văn Mười cho rằng, giá thanh long thấp mang tính quy luật do từ tháng 6 đến 12 hằng năm, Trung Quốc có thanh long nội địa nên nhu cầu nhập khẩu ít. “Thanh long chủ yếu xuất khẩu, thị trường nội địa tiêu thụ rất ít do người tiêu dùng vẫn không chuộng mặt hàng này. Phải kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng niềm tin của người tiêu dùng Việt để làm bệ đỡ cho thị trường, tránh rớt giá quá sâu khi xuất khẩu gặp trục trặc”, ông Mười nhìn nhận.
Nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng
Theo Chủ tịch Vinafruit, rau quả Việt Nam mặc dù có sản lượng gần 35 triệu tấn/năm nhưng tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường dẫn đến khó tiêu thụ, tình trạng giải cứu lặp đi lặp lại, ùn tắc trong lưu thông vẫn thường xuyên xảy ra.
“Hạ tầng cơ sở dành cho ngành rau quả vừa thiếu vừa không thích hợp, tổn thất sau thu hoạch cao (30%-35%) dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Công nghệ bảo quản rau quả còn lạc hậu càng làm cho hàng hóa giảm giá trị và khó cạnh tranh trên thương trường. Điều này khiến cho chuỗi cung ứng rau quả của Việt Nam dễ bị đứt gãy và hiệu quả thấp”, ông Bình thẳng thắn.
Do vậy, mới đây, Vinafruit đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) để cùng nhau phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu – nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành rau quả.
Ông Lương Quang Thi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp thương mại ABA – chuyên về chuỗi cung ứng lạnh, nhìn nhận rau quả là mặt hàng mang tính mùa vụ cao – đến mùa thì đồng loạt thu hoạch với sản lượng lớn.
Khi vào mùa thu hoạch, rau quả sẽ bị thừa cục bộ, giá giảm. Dù giá giảm nhưng cũng khó tiêu thụ, nhiều khi phải bỏ đi vì sản lượng quá lớn. Người tiêu dùng dù có yêu thích sản phẩm, quý mến nông dân cũng không thể ăn mỗi ngày vài ký trái cây nào đó để ủng hộ.
Theo ông Thi, vấn đề này, nước sản xuất rau quả nào cũng gặp phải, không riêng Việt Nam nhưng họ giải quyết bằng cách lưu kho, xuất bán hằng ngày số lượng vừa phải để tránh rớt giá. “Việt Nam chúng ta đang ăn táo, nho, cam tươi nhập khẩu không phải hàng mới hái mà hàng trong kho lạnh, giá cả rất ổn định”, ông Thi dẫn chứng.
Ông Thi nhận xét Việt Nam chưa xuất khẩu trái cây đi xa nhiều, chủ yếu vẫn bán cho thị trường gần là Trung Quốc dưới dạng xá, giá trị không cao. “Muốn thay đổi cục diện cần có quy hoạch kho bảo quản tại vùng trồng và thu hút DN đầu tư để có chi phí thấp cho nông dân thuê. Có như vậy mới nâng được giá trị cho nông sản Việt, giúp nông dân gắn bó với nông thôn”, ông Thi trao đổi với báo Người Lao Động.
Còn theo Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam VACVINA, ngay cả loại quả tỉ USD là sầu riêng cũng cần được quan tâm đầu tư để tránh rơi vào vết xe đổ của nhiều loại quả khác. “Quan trọng nhất là kiểm soát chất lượng, thương hiệu, tạo uy tín để giữ thị trường”, ông Mười nói.
Minh Hoa (t/h)