Tính riêng tháng 11/2022, lãi sau thuế của Thế Giới Di Động chỉ đạt 159 tỷ đồng, giảm đến 67% so với cùng kỳ, đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ tháng 4/2017.
Mới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (mã chứng khoán: MWG) đã công bố kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2022. Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 123.683 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm 9% xuống còn 3.998 tỷ đồng.
Riêng tháng 11, doanh thu Thế Giới Di Động giảm 13% so cùng kỳ, về khoảng 9.971 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 159 tỷ đồng, giảm đến 67%. Đây là mức doanh thu thấp nhất hơn 1 năm và lợi nhuận thấp nhất kể từ tháng 4/2017 của Thế Giới Di Động.
Về cơ cấu doanh thu, Topzone và Điện máy xanh đóng góp phần lượt 32.400 tỷ đồng và 64.300 tỷ đồng, chiếm 78% doanh thu của MWG. Bách Hóa Xanh (BXH) mang về 24.600 tỷ đồng, tương đương 19,9%. Phần còn lại đến từ các mảng kinh doanh khác.
Theo Thế Giới Di Động, doanh thu giảm do hầu hết các ngành hàng ghi nhận sức cầu yếu hơn dự kiến, ngay cả trong mùa cao điểm cuối năm, ngoại trừ mảng bán tivi do hưởng lợi từ sự kiện World Cup.
Sau 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương, sản lượng bán ra của các sản phẩm chính ước tính giảm hai chữ số từ nền so sánh rất cao của quý IV/2021.
Với Bách Hóa Xanh, doanh thu riêng tháng 11 tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, do doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt hơn 1,3 tỷ đồng/tháng, tăng 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên luỹ kế 11 tháng, doanh thu giảm 7% theo năm.
Thế giới di động cho biết, doanh thu các cửa hàng xung quanh khu công nghiệp, khu chế xuất sụt giảm 5-10% so với những tháng trước, do tình trạng thiếu việc làm, giảm thu nhập của khách hàng là công nhân viên khu vực này. Lợi nhuận ở cấp độ cửa hàng trong tháng 11 tăng 15%, chủ yếu do chi phí hủy hàng giảm mạnh.
Sang tháng 12, Bách Hóa Xanh kỳ vọng đạt doanh thu tháng cao nhất năm, trung bình khoảng 1,4-1,5 tỷ đồng/cửa hàng, nhờ nhu cầu mua sắm hàng FMCGs tăng trước Tết và các chương trình kích cầu riêng của Bách Hóa Xanh kết hợp với các nhãn hàng.
Dự kiến cả quý IV/2022, chi phí tài chính của MWG tăng khoảng 50% so với mức trung bình 9 tháng đầu năm, do lãi suất và tỷ giá tăng, dẫn đến biên lợi nhuận ròng giảm. Thế Giới Di Động đã thu hồi đủ vốn và lãi của 75% các khoản trái phiếu đầu tư và sẽ hoàn tất thu toàn bộ phần còn lại trước Tết Nguyên đán.
“Những bất ổn kinh tế, xung đột địa – chính trị, vấn để thiếu hụt năng lượng đã và đang diễn ra ở phạm vi toàn cầu sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên các yếu tố làm phát, lãi suất, xuất khẩu, việc làm… Trong bối cảnh đó, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi trong nửa đầu năm 2023.
Đặc biệt, thị trường sản phẩm công nghệ và điện máy có thể chịu nhiều tác động kém khả quan do là ngành hàng giá trị cao và không thiết yếu. Tình hình vĩ mô được kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất – tiêu dùng dần hồi phục trở lại”, ban Lãnh đạo MWG nhận định.
Dù vậy, sang năm 2023, MWG vẫn đưa ra mục tiêu tăng trưởng dương về doanh thu và lợi nhuận ròng và tăng trưởng hai chữ số so với mức trung bình giai đoạn 2020 – 2022.
Để thực hiện được, MWG cho biết sẽ không đặt mục tiêu số lượng cửa hàng mở mới cho từng chuỗi. Các chuỗi chỉ mở mới cửa hàng có chọn lọc để có thể mang lại lợi nhuận cho công ty trong 3 tháng sau khi khai trương.
Đồng thời, tất cả các chuỗi sẽ tập trung vào tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng (SSSG) và kiểm soát chi phí vận hành để tăng lợi nhuận tuyệt đối, không chú trọng tăng biên lợi nhuận khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu. Ngoại trừ, BXH có thể tiếp tục tối ưu biên lợi nhuận bằng cách cải thiện tỉ lệ hủy hàng, giảm hao hụt.
Ngoài ra, MWG tập trung tối đa hóa dòng tiền để giảm chi phí tài chính thông qua việc chủ động cải thiện công tác quản lý hàng tồn kho.
Phạm Hồng Nhung