Home Tiêu điểm Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ thẩm quyền của chính...

Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ thẩm quyền của chính quyền Hà Nội

0

Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều nội dung theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế.

Phát triển Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại

Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách vượt trội, đặc thù liên quan đến nhiều lĩnh vực mang tính bao quát. Trong đó, Luật được thông qua có nhiều nội dung theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ đặc thù là Thủ đô.

Theo đó, UBND Thành phố được quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố hoặc UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình.

Trong trường hợp cần thiết, UBND Thành phố có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố hoặc UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND Thành phố có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND Thành phố, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ thẩm quyền của chính quyền Hà Nội- Ảnh 1.
ĐBQH Trương Xuân Cừ, đoàn Hà Nội.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho biết những nội dung chính trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được pháp luật cụ thể hóa, đặc biệt là phân cấp, phân quyền trước hết cho Hà Nội.

Chính quyền Hà Nội sẽ được nhiều quyền hơn để quyết những vấn đề về đầu tư, xây dựng… Thẩm quyền của Hà Nội rất rõ ràng.

“Điều này giúp cho Hà Nội chủ động trong vấn đề xây dựng các dự án đầu tư, mục đích phát triển Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại”, ông Cừ nói.

Bên cạnh đó, trong Luật đã được định hướng về phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện, xã phường. Như vậy, cấp ủy và chính quyền xã phường có quyền và trách nhiệm rất rõ trong xây dựng Thủ đô.

“Chúng ta cũng xác định cấp ủy và chính quyền mạnh nhất ở cơ sở, vấn đề an ninh trật tự trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở sẽ đảm bảo hơn, tốt hơn”, ông Cừ chia sẻ và nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền là cơ sở pháp lý và để chính quyền Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Về chính sách cán bộ, trong Luật này, Hà Nội có chính sách đặc thù để thu hút các cán bộ, những nhân tài khắp đất nước, kể cả nhân tài nước ngoài để họ có cơ hội tham góp, cống hiến phát triển Thủ đô.

“Chúng ta kỳ vọng rằng qua Luật Thủ đô, cùng với Quy hoạch Tp.Hà Nội, đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội thì chắc chắn Hà Nội sẽ ngày càng đạt được mục tiêu văn hiến, văn minh, hiện đại”, ông Cừ tin tưởng.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ thẩm quyền của chính quyền Hà Nội- Ảnh 3.
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn Tp.Hà Nội.

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn Tp.Hà Nội tin tưởng với 9 nhóm chính sách mới, tư duy, tầm nhìn mới, chúng ta sẽ phát triển Thủ đô trong thời gian tới đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Và trung tâm thụ hưởng các thành quả này chính là nhân dân của Thủ đô cũng như của cả nước, và Hà Nội luôn vì cả nước, cùng cả nước để phát triển đất nước ngày càng hùng cường. Đây là trọng trách rất lớn lao và trách nhiệm của Thủ đô, của lãnh đạo Hà Nội trong thời gian tới.

Một điểm mà bà Mai thấy cần thiết phải xem xét đó là xây dựng và củng cố, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, công chức, viên chức để “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa đảm bảo năng lực, nâng cao trách nhiệm và gương mẫu trong việc triển khai Luật. 

Với những chính sách, cơ chế đột phá, chúng ta phải làm rất linh hoạt, sáng tạo trong khuôn khổ mà Luật Thủ đô đã trao và với tinh thần cao nhất.

“Đội ngũ cán bộ công chức với tư duy mới, tầm nhìn mới với yêu cầu đòi hỏi mới thì phải tự nâng cao năng lực trình độ. Cùng với đó là tinh thần vì nhân dân phục vụ còn phải cao hơn nữa, lúc đó mới có sự đồng bộ để triển khai thực hiện Luật Thủ đô một cách tốt nhất”, bà Mai nói.

Kỳ vọng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Phan Thị Thúy Nga – Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy phường Bưởi, Ủy viên thường vụ Hội Luật gia quận Tây Hồ, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, kỳ vọng của địa phương khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua đó là Tp.Hà Nội, trong đó có quận Tây Hồ, phường Bưởi sẽ được hưởng lợi từ các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá về xây dựng kiến thiết đô thị và thuận lợi giải quyết tốt các vấn đề về giao thông, ô nhiễm môi trường, về ngân sách… nhanh và hiệu quả hơn.

Từ đó, sẽ dần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô năm 2012;

Đồng thời, tạo đà cho phường Bưởi tổ chức thực hiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng phường đạt chuẩn “đô thị văn minh”; xây dựng quận Tây Hồ trở thành Trung tâm dịch vụ-du lịch-văn hóa tiêu biểu của Thủ đô và Tp.Hà Nội hoàn thành “Khát vọng” xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là Trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, để thuận lợi xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn;

Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ thẩm quyền của chính quyền Hà Nội- Ảnh 4.
Bà Phan Thị Thúy Nga – Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy phường Bưởi, Ủy viên thường vụ Hội Luật gia quận Tây Hồ, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển theo đúng kỳ vọng của Thủ đô Hà Nội và theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, “thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển”.

“Đó chính là góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô và chất lượng cuộc sống nhân dân”, bà Nga nói.

Liên quan đến nội dung phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, bà Nga chia sẻ, các cấp thẩm quyền của Thành phố Hà Nội quyết định ủy quyền, giao quyền cho các quận, huyện về thẩm quyền quyết định, giải quyết một số lĩnh vực về quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về xây dựng kiến thiết đô thị theo phân cấp, phân quyền, về tổ chức triển khai các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, công tác an ninh- quốc phòng…

“Đây chính là cơ hội, thuận lợi để quận Tây Hồ thực hiện khát vọng trở thành Trung tâm dịch vụ- du lịch-văn hóa têu biểu Thủ đô Hà Nội, xây dựng Thành phố Hà Nội trở thành Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, hướng tới Thủ đô thông minh, xanh, sạch, đẹp, nơi đáng sống”, bà Nga nói.

Dưới góc độ là cán bộ địa phương và trách nhiệm của người Luật gia, bà Nga cho biết bà sẽ phối hợp với các đồng chí trong ban thường vụ, đảng ủy viên chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, Hội Luật gia các cấp và các cấp có thẩm quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp thiết thực như:

Tuyên truyền qua loa truyền thanh của phường, qua các trang Zalo, trang Fecebook, qua tờ rơi, tờ gấp, qua Cổng thông tin điện tử của phường, qua các Hội nghị tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Luật Thủ đô đến các cấp ủy chi bộ, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội.

Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đảm bảo rõ người, rõ việc với tinh thần gương mẫu, đổi mới, sáng tạo trong triển khai tổ chức thực hiện Luật Thủ đô và nhiệm vụ chính trị đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Cùng với đó, tích cực phối hợp tham mưu với các cấp thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chức trách. nhiệm vụ được phân công.

Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân “Được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát, được thụ hưởng” để tự giác, tự nguyện chung tay thực hiện tốt các quy định Luật, góp phần quan trọng đưa Luật Thủ đô ( sửa đổi) nhanh chóng vào cuộc sống.

Hoàng Bích – Hữu Thắng

Link nguồn