Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giao dịch ví điện tử bình quân hiện chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tháng nên hạn mức đề xuất của cơ quan quản lý nhắm đến các hoạt động bất thường.
Quy định chỉ giao dịch 20 triệu đồng/ngày là có lý do
Dự thảo thông tư quy định hạn mức giao dịch qua ví đối với cá nhân là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) giải thích, hiện giao dịch bình quân ví điện tử chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tháng, nên hạn mức như đề xuất không ảnh hưởng đến giao dịch bình thường của người dùng. Quy định này nhắm đến các hoạt động bất thường chứ không phải mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, ông Phạm Tiến Dũng cũng phân tích, định danh khách hàng là yêu cầu bắt buộc tại dự thảo thông tư mới bởi vì ví điện tử có sử dụng sim rác. Nếu không định danh, khi phát sinh sự cố không biết là ai?
Theo đó, việc định danh cũng được NHNN yêu cầu theo hướng chi tiết các thông tin người dùng phải thu thập, thông tin có thể thu thập bằng giấy, điện tử… từ nguồn khách hàng, ngân hàng thương mại.
Theo số liệu của NHNN, hiện có khoảng 5 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động. Việc phát triển nhanh chóng của ví điện tử đã đặt ra vấn đề làm sao bảo đảm an ninh an toàn trong giao dịch, nhằm thúc đẩy các kênh thanh toán không tiền mặt.
Ngoài quy định trên, dự thảo cũng quy định tổ chức cung ứng ví điện tử phải áp dụng các biện pháp xác thực cần thiết (gồm gặp mặt trực tiếp hoặc các biện pháp phù hợp khác) nếu nghi ngờ khách hàng sử dụng các số điện thoại, tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ khác nhau để mở nhiều hơn 1 ví điện tử tại 1 tổ chức cung ứng.
Dự thảo cũng yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải có công cụ để NHNN giám sát hoạt động và tổng số ví được mở, số dư tiền trong ví điện tử của tất cả khách hàng vào đầu ngày giao dịch và tại thời điểm truy cập. Các đơn vị này cũng phải tổng hợp số liệu báo cáo tháng về số ví, số dư tiền trong ví, tổng số lượng, giá trị giao dịch nạp, rút tiền, thanh toán… của các ví điện tử mà mình cung ứng.
Theo giải thích của NHNN, quy định về hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.
Ngoài ra, quy định cụ thể về công cụ giám sát trực tuyến đối với ví điện tử, nhằm hướng dẫn thống nhất cho các tổ chức thực hiện và bổ sung, làm rõ thêm các thông tin NHNN cần truy vấn, thu thập trên công cụ giám sát trực tuyến.
Một số chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi thông tư là cần thiết nhằm khuyến khích, quản lý ví điện tử và thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam nhưng theo hướng mở và dung hoà giữa kiến tạo, kiểm soát, quản lý.
Khách không nhận được tiền lãi từ số dư trên ví điện tử
Hiện tại, hầu hết khoản tiền gửi tại ngân hàng đều được áp dụng một mức lãi suất nhất định. Ngoài các khoản tiền gửi có kỳ hạn được áp dụng mức lãi tương ứng, số dư trên tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ đều được ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (trung bình vào khoảng 0,1 – 0,5%/năm). Vì vậy, khách hàng vẫn nhận được một phần nhỏ tiền lãi từ số dư trên tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, với số dư tiền trên ví điện tử, khách hàng sẽ không được áp dụng mức lãi suất này. Cụ thể, dự thảo của NHNN quy định đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử sẽ không được phép trả lãi trên số dư của ví, và không được cấp tín dụng cho người sử dụng ví.
Ngoài ra, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử cũng không được sử dụng bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử của khách hàng.
Giả sử, với khoản tiền 20 triệu đồng trên tài khoản thanh toán, nếu số dư này ở trong tài khoản ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được số tiền lãi vào khoảng 20.000 – 100.000 đồng/năm. Tuy nhiên, nếu để 20 triệu trong ví điện tử, khách hàng sẽ không nhận được số tiền lãi trên.
Theo Hoài Dương/Thời báo chứng khoán