Việc sản phẩm mận Sơn La được trở thành suất ăn của Vietnam Airlines là cơ hội tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm nông sản của Sơn La.
Vietnam+ đưa tin, ngày 10/6, tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức khởi hành đưa sản phẩm “Mận hậu Sơn La” về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Theo đó, hơn 1 tấn mận hậu của xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu được Công ty Cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty Cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam thu mua để đưa vào suất ăn tại các chuyến bay.
Theo CTTĐT huyện Yên Châu, mận được đưa vào suất ăn hàng không Việt Nam có quy cách 40-50 gram/quả với giá 160.000đ/kg. Hiện nay, mỗi ngày công ty đang thu mua trên 1 tấn mận trên địa bàn tỉnh Sơn La đưa vào suất ăn hàng không, khoảng 30 tấn/ngày vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc và 25 tấn/ngày vào hệ thống chợ đầu mối.
Đây là sản phẩm quả thứ 2 của Sơn La (trước đó là nhãn) trở thành món tráng miệng phục vụ hành khách trên các chuyến bay của Vietnam Ariline, góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản nông sản chủ lực của Sơn La nói chung, sản phẩm mận nói riêng đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các điều kiện của thị trường trong nước, xuất khẩu.
Việc sản phẩm mận Sơn La được trở thành suất ăn của Vietnam Airlines là cơ hội tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm nông sản của Sơn La.
Theo thông tin trên CTTĐT Bộ Công Thương, Sơn La trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại năm 2023 ước đạt 84.784 ha (tăng 2,14% so với năm 2022), sản lượng quả thu hoạch dự kiến đạt 451.779 tấn (tăng 28% so với năm 2022).
Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và đảm bảo các tiêu chuẩn tương đương ước đạt 5.917 ha; diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ: 16.542,9 ha. Sản lượng các sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác: 3.098 tấn/năm. Sản lượng mật ong sản xuất áp dụng VietGAP hoặc GAP khác: 364 lít/năm. Tổng diện tích sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ: 8.217 ha.
Hiện có gần 85 nghìn ha cây ăn quả, sản lượng quả thu hoạch trong năm 2023 ước đạt 452 nghìn tấn; có 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; có 110 sản phẩm OCOP; công nhận được 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Toàn tỉnh đã được cấp 281 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.608,45 ha cây ăn quả và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu 46.000 tấn trái cây các loại cho các thị trường Australia, Zealand, Mỹ, Trung Quốc, EU…
Năm 2023, dự kiến số lượng sản phẩm trái cây tham gia xuất khẩu đạt trên 18.700 tấn, với một số sản phẩm trái cây chủ yếu, như: 8.000 tấn xoài; 4.500 tấn nhãn; gần 4.500 tấn chuối, 1.000 tấn chanh leo…; giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La quý I/2023 ước đạt 54,38 triệu USD. Số lượng quả phục vụ chế biến cho các nhà máy, cơ sở chế biến trong tỉnh ước tính khoảng 70 nghìn tấn, còn lại là tiêu thụ trong nước.
Riêng với mận hậu, toàn tỉnh Sơn La có diện tích 12.353 ha trồng mận hậu, sản lượng năm 2023 khoảng 89.837 tấn, thời vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7. Nhãn hiệu “Mận Sơn La” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2021. Một số sản phẩm mận chất lượng cao của Sơn La: Mận Pu Nhi (huyện Sông Mã), Mận Ruby (Nà Cang, huyện Mộc Châu), Mận Phiêng Khoài (huyện Yên Châu).
Theo VOV, huyện Yên Châu hiện có hơn 3.000 ha mận hậu, sản lượng bình quân đạt khoảng 30 nghìn tấn. Với giá dao động tại vườn từ 15 – 25.000 đồng/kg mận chính vụ; 50 – 100.000 đ/kg mận chín sớm, rất nhiều hộ trồng mận trên địa bàn đã có thu nhập bình quân từ 200 triệu – 300 triệu/ha. Mận hậu Yên Châu có vị chua ngọt đậm đà, giòn, róc hạt nên đã từng bước chinh phục người tiêu dùng.
Trước đây, mận Yên Châu chủ yếu phục vụ thị trường nội địa; 4 năm trở lại đây, mận hậu Yên Châu nói riêng, toàn tỉnh Sơn La nói chung đã được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, để làm được điều này, ngoài tuyên truyền cho người dân trồng cây theo tiêu chuẩn VietGap, Yên Châu cũng đã thường xuyên tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do tỉnh tổ chức. Qua đó, giúp người nông dân có thu nhập ổn định, không lo rớt giá và thị trường bấp bênh.
“Việc sản phẩm mận được lên suất ăn của VietNam Airlines là cả một quá trình, đó là sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Đây cũng sẽ là đòn bẩy cho bà con tích cực sản xuất. Hiện nay trên địa bàn, chúng tôi đang hướng dẫn bà con hạ cành tạo tán để giảm sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là khoanh vùng trồng theo hướng hữu cơ để sản phẩm khi xuất khẩu, cũng như đưa thành các suất ăn trên máy bay và đưa vào các siêu thị lớn phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn”, ông Cường nhấn mạnh.
M.H (t/h)