Lãi sau thuế quý cuối năm 2022 của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tăng trưởng 86% lên mức cao nhất kể từ quý II/2019.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC – HoSE: PVS), công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.331 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biên lãi gộp được cải thiện từ 5,3% quý cùng kỳ lên 6,1%. Bên cạnh doanh thu từ hoạt động tài chính mà chủ yếu là lãi tiền gửi và tiền cho vay, PVS còn ghi nhận thêm lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết hơn 134 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 651 triệu đồng cùng kỳ.
Trừ các chi phí, PVS lãi sau thuế hơn 325 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và cao nhất kể từ quý II/2019. Theo giải trình, kết quả của mảng dịch vụ tàu, dịch vụ dầu khí, dịch vụ cơ khí và đóng mới và lợi nhuận từ công ty thành viên cao hơn cùng kỳ giúp lợi nhuận sau thuế quý cuối năm 2022 của PVS tăng trưởng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của PVS đạt 16.412 tỷ, lợi nhuận sau thuế 834 tỷ, lần lượt tăng 15% và 11% so với năm 2021. Với kết quả này, PVS đã vượt 64% chỉ tiêu doanh thu và vượt 71% mục tiêu lợi nhuận năm 2022.
Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của PVS đạt 25.776 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng dưới một năm lên tới 4.812 tỷ đồng, chiếm gần 1/5 tổng tài sản và tăng 2.135 tỷ đồng so với đầu năm. Năm 2022, khoản tiền này đem về cho PVS gần 258 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Bên cạnh đó, PVS còn đang đầu tư 4.890 tỷ đồng vào các liên doanh, liên kết và đơn vị khác, đã bao gồm trích lập dự phòng 14 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2022, PVS đầu tư 4.873 tỷ đồng vào 6 công ty liên doanh, liên kết, hầu hết hoạt động tại Singapore và Malaysia.
Các khoản phải thu ngắn hạn của PVS tại cuối quý IV/2022 là 4.990 tỷ đồng, hầu hết là phải thu ngắn hạn khách hàng, tăng 7% so với đầu năm.
Ở phía nguồn vốn, nợ đi vay của PVS hơn 1.375 tỷ đồng, giảm 130 tỷ so với ngày 1/1/2022, trong đó nợ dài hạn sắp đến hạn trả là 752 tỷ đồng. Ngoài ra, PVS còn có khoản dự phòng phải trả dài hạn hơn 1.245 tỷ đồng, đây là khoản dự phòng bảo hành các công trình xây dựng, chiếm tỷ trọng hơn một nửa là cho dự án Sao Vàng Đại Nguyệt.
Vốn chủ sở hữu tại ngày cuối kỳ là 12.838 tỷ đồng, bao gồm 4.779 tỷ đồng vốn góp, 3.214 tỷ đồng quỹ đầu tư và phát triển cùng 3.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Nguyễn Thu Huyền