Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Một doanh nghiệp dệt may báo lãi quý IV/2022 gấp 10 lần...

Một doanh nghiệp dệt may báo lãi quý IV/2022 gấp 10 lần cùng kỳ

0

Bất chấp khó khăn chung của ngành dệt may, May mặc Bình Dương bất ngờ báo lãi 86 tỷ đồng trong quý IV/2022 – gấp 10 lần cùng kỳ.

Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (UpCOM: BDG) công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

Theo đó, quý IV/2022, May mặc Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần đạt 479 tỷ đồng và lãi gộp 95 tỷ đồng, tăng tương ứng 58% và 107%, biên lợi nhuận cải thiện đáng kể.

Kết quả tăng trưởng này càng nổi bật hơn trong bối cảnh nhiều ông lớn dệt may đang thiếu đơn hàng trong quý cuối năm và xuất hiện nhiều thông tin nhu cầu suy giảm ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp may mặc ở Bình Dương còn được hoàn nhập khoản dự phòng tiền lương của năm trước và nhờ đó chi phí quản lý doanh nghiệp âm 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 25 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng giảm mạnh xuống 5 tỷ đồng.

Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 86 tỷ đồng trong quý IV/2022 – con số này gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế cả năm 2022, May mặc Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần gần 1.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 216 tỷ đồng, tăng tương ứng 65% và 230% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 31/12/2022, doanh nghiệp có 1.069 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó, công ty đang có hơn 280 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, hàng tồn kho ở mức 260 tỷ đồng (giảm so với đầu năm). Trong khi đó, May mặc Bình Dương đang nợ ngắn hạn 385 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính là 127 tỷ đồng.

Năm 2023, ngành Dệt may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47 – 48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45 – 46 tỷ USD.

Dự báo, khó khăn của các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may sẽ kéo dài tới hết quý I, thậm chí quý II/2023. Tình trạng phổ biến là số lượng đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp; doanh nghiệp đối diện sức ép gia tăng về các yêu cầu phát triển xanh, bền vững từ đối tác nhập khẩu.

Do đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp dệt may theo dõi sát tình hình thị trường, lựa chọn đơn hàng phù hợp để duy trì sản xuất, không vì lo lắng thiếu đơn hàng mà chấp nhận ký giá thấp.

Doanh nghiệp cũng cần cân đối và duy trì dòng tiền, đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, tối ưu hóa về nhân công… Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tham gia mạnh vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhất là tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao (thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối…).

Nguyễn Thu Huyền

Link nguồn