Home Chứng khoán Một năm buồn của các công ty chứng khoán

Một năm buồn của các công ty chứng khoán

0

Diễn biến kém trên thị trường chứng khoán kéo theo kết quả kinh doanh của nhóm ngành chứng khoán đi lùi, hàng loạt công ty báo lỗ quý IV/2022.

Năm 2022 với sự biến động khó lường thị trường chứng khoán đã khiến các công ty chứng khoán gặp khó khăn trong kinh doanh, từ đó dẫn tới kết quả sụt giảm lợi nhuận năm 2022 nói chung và quý IV nói riêng.

Tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã rơi hơn 33% từ vùng 1.500 về quanh mức 1.000 điểm. Thanh khoản bình quân sụt giảm từ hơn 29.300 tỷ đồng/phiên về còn hơn 20 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm hơn 30%. Tính riêng trong quý IV/2022, VN-Index có thời điểm giảm còn 911 điểm (15/11/2022).

Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2022, hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận mức lỗ trong quý IV, có nơi còn tăng trưởng âm. Thống kê của Người Đưa Tin từ 20 công ty chứng khoán cho thấy lợi nhuận sau thuế của các đơn vị này đến hết năm 2022 vào khoảng 6.663 tỷ đồng, giảm gần 40% so với kết quả năm 2021 là 10.974 tỷ đồng.

Trong đó, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) tiếp tục dẫn đầu với mức lãi ròng 299 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ. Riêng mảng doanh thu từ môi giới giảm gần 57% còn 141,75 tỷ đồng.

Theo sau là Chứng khoán SSI và Chứng khoán Mirae Asset cũng chịu mức giảm lãi sau thuế quý IV là 38% so với cùng kỳ, chỉ còn 224 tỷ đồng và 150,5 tỷ đồng.

Các ông lớn trong top thị phần khác cũng không nằm ngoài xu hướng. Chứng khoán VPS báo lãi 21,8 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ; Chứng khoán Bản Việt (VCSC) chỉ lãi 28,4 tỷ đồng, giảm đến 94% so với quý IV/2021.

Không chỉ sụt giảm, một số công ty chứng khoán trong quý IV chịu mức lỗ, thậm chí lỗ rất lớn. Đơn cử Chứng khoán VIX báo lỗ lên tới 102,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 161,6 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu từ doanh thu mảng môi giới giảm tận 62%.

Còn Chứng khoán APG lỗ 160 tỷ đồng trong quý IV và lỗ tới 208 tỷ đồng trong năm 2022, một con số quá lớn, chủ yếu do khoản đánh giá lại các tài sản tài chính.

Tính riêng mảng môi giới, top thị phần vẫn dẫn đầu ghi nhận tổng doanh thu vào khoảng 2.065 tỷ đồng ở quý IV/2022, giảm hơn một nửa so với mức thực hiện trong năm 2021, 4.162 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, xu hướng giảm của khoản thu từ môi giới được thể hiện khá rõ ràng. Hầu hết doanh thu môi giới ở các công ty chứng khoán quý sau đều sụt so với quý trước trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và dòng tiền không còn quá dễ dãi.

Với doanh số 549 tỷ đồng ở Chứng khoán VPS vẫn chứng kiến mức giảm đến 50% so với mức doanh thu kỷ lục của quý IV/2021, tuy nhiên so với các công ty cùng ngành, doanh thu của VPS vẫn vượt xa hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu môi giới tại Chứng khoán SSI đạt 318 tỷ đồng, giảm tận 60% so với cùng kỳ; tương tự, VNDirect cũng giảm hơn 60% về 207 tỷ đồng ở quý IV; HSC giảm 46% còn 195 tỷ đồng; Mirae Asset đạt 153 tỷ đồng, giảm 43%;…. Riêng Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ghi nhận doanh thu không nhiều thay đổi so với con số của năm ngoái, đạt 209 tỷ đồng.

Mảng môi giới chứng khoán chính là một trong những nguồn thu chính của công ty chứng khoán, tuy nhiên khi thị trường ảm đạm, thì mảng này cũng chịu áp lực mạnh nhất bởi có mối quan hệ mật thiết với sự sôi động của thị trường. 

Dẫn đầu thị phần trong vòng 3 năm qua chính là Chứng khoán VPS, tuy nhiên tính đến cuối năm 2022, mức lợi nhuận sau thuế của VPS chỉ bằng 1/3 so với Mirae Asset và non nửa so với SSI.

Luỹ kế cả năm 2022, VPS có doanh thu hoạt động 8.440 tỷ đồng, gấp gần 9 lần lợi nhuận sau thuế, 803 tỷ đồng. Với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu chỉ ở mức 9,5%, rõ ràng công ty đã phải trả một cái giá không nhỏ cho việc mở rộng thị phần.

Phạm Hồng Nhung

Link nguồn